Học sinh dự khảo sát vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa năm 2020 – Ảnh: NHƯ HÙNG
Tuy vậy, nhiều ý kiến khác lại cho rằng phương án đó là không thể khác trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay.
“Không hợp lý”
“Tôi lo lắng việc xét tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa sẽ làm mất đi cơ hội học tập của nhiều học sinh giỏi thực sự” – bà Tr.T.Tr., phụ huynh ở phường 12 (quận Tân Bình, TP.HCM), nói.
Còn cô Th. – giáo viên tiểu học và có con dự tuyển vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa năm nay – cho biết: “Quyết định xét tuyển dựa trên tổng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 3, 4, 5 của môn văn, toán là không chính xác. Vì học sinh đạt điểm 10 ở bậc tiểu học không có nghĩa đó là học sinh giỏi. Đề kiểm tra cuối học kỳ II ở các trường tiểu học chỉ dừng ở mức đánh giá học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng mà Bộ GD-ĐT quy định, tức là nó ở mức trung bình.
Thế nên, đa số học sinh tiểu học đạt điểm 10. Ngược lại, những học sinh đạt 8, 9 điểm chưa chắc đã không giỏi bởi các em lứa tuổi tiểu học thường bất cẩn, hay nhầm lẫn…Tôi đã từng gặp nhiều học sinh rất thông minh, học toán rất giỏi nhưng bài kiểm tra của em ít khi được 10 điểm vì em thường bị sai câu dễ nhất trong đề”.
Bà N.T.M. – có con vừa hoàn thành tiểu học tại Trường tiểu học Đuốc Sống, quận 1 – cho biết khi nhận tin xét tuyển vào lớp 6 bà đã rất ngỡ ngàng. “Tôi và con đã chuẩn bị rất kỹ. Tôi cùng ôn luyện, đồng hành với con để ít hôm nữa thôi con sẽ sẵn sàng tham gia kỳ khảo sát vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa.
Quyết định xét tuyển là không hợp lý, con tôi sẽ bị loại ngay từ đầu bởi vì hầu hết học sinh tiểu học đều đạt điểm 10. Và Sở GD-ĐT sẽ phải dùng đến tiêu chí phụ là các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, giải thưởng… Phụ huynh không biết trước điều này nêu đâu có cho con em mình đi thi”.
Tương tự, bà Huỳnh Thị Phương – có con hoàn thành tiểu học ở quận 3, TP.HCM – mất 20 triệu đồng để theo lớp luyện cấp tốc từ giữa học kỳ II của lớp 5 để cho con thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Bà bức xúc: “20 triệu chỉ là học phí nhưng lớn hơn là tinh thần, sự chuẩn bị của con dưới sự động viên của gia đình một thời gian rất dài. Thi tuyển 90 phút cho bài làm bằng tiếng Anh, nó như một cái đích mà mỗi ngày tôi cùng con vạch ra.
Đùng một cái, thay đổi từ thi sang xét tuyển và kèm theo những điều kiện cộng về các loại chứng chỉ, bằng cấp, làm sao tôi chuẩn bị cho kịp? Tại sao không có kỳ thi online hoặc là chờ hết học kỳ I năm lớp 6, các em vào lớp 6 đúng tuyến rồi TP tổ chức khảo sát sau?”.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cho hay họ đang rất băn khoăn trong việc tìm minh chứng để gửi kèm hồ sơ dự tuyển vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa cho con em mình. “Thời điểm này, học bạ bậc tiểu học của con tôi đã được trường tiểu học chuyển sang trường THCS, nơi con tôi được phân tuyến vào học.
Việc đến trường THCS để mượn học bạ của con, xin photo kết quả học tập lớp 3, 4, 5 của con để gửi đi dự tuyển vào một trường THCS khác thì chắc gì đã thuận lợi?” – chị Phùng Thị Mai, phụ huynh ở quận 1, phản ảnh.
Chấp nhận ở mức tương đối
Ban giám hiệu Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết kỳ tuyển sinh vào lớp 6 năm nay trường đã nhận được đơn đăng ký dự tuyển của hơn 4.000 thí sinh bằng hình thức đăng ký trực tuyến (diễn ra cuối tháng 5-2021). Chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 năm học 2021-2022 là 535 học sinh. Một cán bộ Sở
GD-ĐT TP.HCM thừa nhận: “Một kỳ tuyển sinh với tỉ lệ chọi khá cao (1/8) thì chỉ có khảo sát mới ổn thỏa. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh quá phức tạp như hiện nay thì đành chấp nhận một phương án ở mức tương đối để đảm bảo an toàn cho học sinh”.
Theo vị cán bộ trên: “Quyết định của UBND TP.HCM đã nhấn mạnh chỉ những học sinh đã đăng ký dự khảo sát lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa năm học 2021-2022 mới được tham gia xét tuyển vào lớp 6. Như vậy, những em dự xét tuyển là những học sinh đã tự biết năng lực của mình, có sự chuẩn bị về kiến thức – kỹ năng… chứ không phải tất cả học sinh hoàn thành chương trình tiểu học ở TP.HCM đều được dự xét tuyển.
Vì vậy, có ý kiến cho rằng nếu xét tuyển Trường Trần Đại Nghĩa sẽ không tuyển được học sinh giỏi là không có căn cứ”.
Tiến sĩ giáo dục Lê Vinh Quốc – nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – cho rằng đúng là chọn lọc học sinh chuyên phải thi nhưng cũng không phải chỉ có thi tuyển là phương án duy nhất.
Ông Quốc cho rằng có thể xét tuyển. Nhưng xét thêm các tiêu chí chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn Cambridge, khung năng lực ngoại ngữ bậc 6 của VN, chứng chỉ tin học quốc tế… phải phù hợp với trình độ, phù hợp với lứa tuổi. Những tiêu chí này cần sự chuẩn bị đầu tư lâu dài và phù hợp với lứa tuổi lớn hơn.
“Tuy nhiên, vì dịch bệnh COVID-19 nên phương án thi khảo sát phải chuyển sang phương án xét. Trong hoàn cảnh bất khả kháng, phụ huynh cũng phải chịu. Còn việc học tập lâu dài, qua thời gian sẽ tự gạn lọc để trường chuyên là nơi để các em theo học đúng đam mê, nguyện vọng, năng lực.
Tất nhiên, nếu không đúng năng lực, bản thân các em cũng sẽ tự điều chỉnh, tự nhường chỗ, tìm ngôi trường phù hợp với khả năng của các em hơn. Phụ huynh đừng quá lo lắng…” – ông Quốc nói thêm.
Không hẳn không chọn được học sinh giỏi
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3 có số lượng học sinh đăng ký dự thi vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa rất đông cho rằng xét tuyển đúng là khó công bằng nhưng không hẳn không chọn được trò giỏi.
“Dịch bệnh nên không thể làm bài khảo sát là điều đương nhiên. Tuy nhiên, xét tuyển các em có điểm số bằng nhau rất nhiều nhưng tiêu chí xét thêm cũng nói lên nhiều điều. Ba mẹ đầu tư cho con học những chứng chỉ, bằng cấp hoặc giải thưởng… thì đứa trẻ phải có năng lực khác ngoài những môn học ở lớp.
Mà ta nghĩ thoáng ra, định hướng, mục tiêu học tập bây giờ rất mở, là phát triển toàn diện một đứa trẻ. Nên về góc độ nào đó, sự chọn lọc trên xét thêm tiêu chí cũng nói lên được chứ không hẳn là không công bằng hoàn toàn” – cô hiệu trưởng phân tích.
Link Báo Gốc: https://tuoitre.vn/xet-tuyen-vao-lop-6-truong-chuyen-tran-dai-nghia-phu-huynh-tro-tay-khong-kip-20210805083826767.htm