Lệnh cấm dạy thêm buộc các công ty gia sư như Gaotu Techedu phải mở rộng lĩnh vực hoạt động, bao gồm cả những việc trái ngành – Ảnh: REUTERS

Trong số các công ty bị ảnh hưởng có những “gã khổng lồ”‘ như New Oriental Education và Gaotu Techedu. Quy định mới đã khiến tài sản của các nhà sáng lập New Oriental và Gaotu Techedu bốc hơi đáng kể, giá cổ phiếu lao dốc khiến họ rơi khỏi danh sách các tỉ phú USD.

Lệnh cấm dạy thêm đã khiến nhiều công ty nhỏ phải đóng cửa hoặc phải tìm cách thích nghi mới, theo Hãng tin Reuters.

Dưới mác “giáo dục chất lượng cao”, New Oriental mở các lớp như viết ngôn ngữ lập trình máy tính cơ bản, luyện thư pháp, đánh cờ cho trẻ em.

Các khóa đào tạo phụ huynh, trong đó dạy các kỹ năng như quản lý thời gian của trẻ nhằm giúp cha mẹ hiểu con mình hơn, cũng được tăng cường. Tuy nhiên, tình hình dường như khó khăn, buộc New Oriental phải làm cả những việc tay trái như dịch vụ dọn dẹp vệ sinh.

Gaotu Techedu thì tập trung vào các lớp dành cho người trưởng thành, ví dụ như dạy ngoại ngữ. Gaosi Education, một công ty chuyên dạy thêm môn toán, chấp nhận mở các lớp dạy về văn hóa truyền thống Trung Quốc để tồn tại.

Theo một giáo viên của công ty Gaosi, các học sinh sẽ được đưa ra vùng ngoại ô của thủ đô Bắc Kinh để học các kỹ năng liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể, ví dụ như cách làm diều…Giá của mỗi khóa như vậy không hề rẻ: 19.000 NDT cho khóa 3 ngày cuối tuần.

Ngành giáo dục tư nhân từng được xem là núi vàng sinh lời khủng cho đến khi Chính phủ Trung Quốc quyết định can thiệp để giảm bớt gánh nặng chăm sóc con cái của các cặp vợ chồng.

Theo quy định này, mọi hình thức dạy thêm các môn học ở trường và những lớp học thêm vào cuối tuần hoặc trong các kỳ nghỉ sẽ bị cấm. Lệnh cấm giúp giảm bớt áp lực cho phụ huynh, học sinh từ 6 đến 15 tuổi nhưng có nguy cơ hủy hoại một ngành công nghiệp sử dụng đến 10 triệu lao động.

Richard Zhang, nhà điều hành chuỗi trường mẫu giáo tư nhân có trụ sở tại Bắc Kinh, ví von: “Những gã khổng lồ trong ngành giáo dục tư nhân đang ở trong một ngõ ngách khó khăn, nhưng họ phải tiến lên – giống như một con tàu lớn không thể đậu trên biển”.

Tuy nhiên, chi phí cho các khóa học nghệ thuật là rất cao và trong quan niệm của các bậc phụ huynh, những khóa như vậy là không cần thiết hoặc chỉ dành cho nhà giàu. Kết quả là số lượng học viên giảm đi thấy rõ, kéo theo doanh thu của các công ty đi xuống.

Chị Jiang Ye, một người mẹ có con gái 11 tuổi, đã trả khoảng 20.000 NDT mỗi năm để con được học toán 2 tiếng/tuần tại Gaosi. Các lớp học như vậy sẽ kết thúc khi năm học mới bắt đầu vào ngày 1-9 tới.

“Mục tiêu của con bé là một trường đại học tốt và trường đại học sẽ không quan tâm đến việc con tôi có thể múa ba lê hay không”, chị Jiang nêu suy nghĩ của mình cũng là của nhiều người khác có con đang tuổi đến trường.


Thư Viện Tài Liệu

Trung Tâm Tứ Hải

Liên Hệ

25/25 Nguyễn Bỉnh Khiêm,
P. Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh

+84 91 657 90 68
ltrucanh@gmail.com