Chườm bao đá lạnh trước ngực, sau lưng, kẹp dưới tay hoặc dội lên người là cách sinh viên Đại học Y Dược Hải Phòng áp dụng để vượt qua nắng nóng.

Bắc Giang nói riêng, miền Bắc nói chung trải qua đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt từ ngày 28/5 đến 3/6. Nhiệt độ trong lều khí tượng ở Bắc Giang là 38-39 độ C, ngoài trời cao hơn 2-4 độ C. Để chống nóng, cạnh các bàn lấy mẫu xét nghiệm của thầy trò trường Đại học Y Dược Hải Phòng là những thùng đá với các chai nước nhỏ (chanh muối, nước khoáng). Túi đá viên đặt sẵn trên ghế ngồi. Nhiều thành viên còn treo bao đá trước ngực, sau lưng, vác trên vai, kẹp dưới tay…

Trong chuyến chi viện cho tâm dịch Bắc Giang, đoàn của trường Đại học Y Dược Hải Phòng có 81 người, gồm cán bộ giảng viên, kỹ thuật viên và sinh viên năm thứ ba ngành Kỹ thuật xét nghiệm. Nhiệm vụ của đoàn là làm test nhanh, khai thác truy vết và lấy mẫu xét nghiệm khẳng định Covid-19.




Hình ảnh đoàn công tác của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng dùng đá để hạ nhiệt được chia sẻ trên mạng xã hội.

PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Hải Phòng, cho biết nắng nóng ảnh hưởng tới sức khỏe và tiến độ công việc của các đoàn tới hỗ trợ Bắc Giang. Người thực hiện lấy mẫu phải mặc bộ trang phục phòng hộ cấp 6 với mũ trùm kín đầu, đeo khẩu trang N95, tấm che giọt bắn, hai lớp găng tay và bao giày, kín từ đầu tới chân.

Hôm đầu tiên tại địa bàn lấy mẫu, vừa xuống xe ai nấy trong đoàn đều cảm thấy ngột ngạt, khó thở khi đi dưới mặt đường bê tông trong tiết trời nắng gắt. Nhiều sinh viên vào vị trí chưa đầy 10 phút đã muốn quay ra vì “không chịu nổi”. Mỗi khi kết thúc công việc, cởi bỏ bộ đồ, nước từ hai ống tay áo, ống quần, găng tay ào ào tuôn ra, quần áo mặc phía trong ướt sũng, chân tay nhăn nheo.

Không trực tiếp lấy mẫu nhưng ngày nào PGS Linh cũng có mặt tại địa bàn, mang đủ bộ phòng hộ, cùng các thành viên giám sát và quản lý công việc. Ông ví mặc bộ phòng hộ cấp 6 giống như đang khoác mấy lớp áo mưa. Người mặc có thể bị rối loạn thân nhiệt, mất nước cấp dẫn đến trụy mạch, ngất.





Đoàn Trường Đại học Y Dược Hải Phòng dùng túi đá viên để chườm mát khi đến các điểm lấy mẫu của huyện Việt Yên, Bắc Giang, hôm 4/6. Ảnh: Lê Trần Tuấn Anh.

Đoàn Trường Đại học Y Dược Hải Phòng dùng túi đá viên để chườm mát khi đến các điểm lấy mẫu của huyện Việt Yên, Bắc Giang, hôm 4/6. Ảnh: Lê Trần Tuấn Anh.

Để hoàn thành nhiệm vụ và bảo đảm an toàn, đoàn công tác của trường đã thay đổi khung giờ làm việc (tránh thời tiết nắng nóng) hay phân công các vị trí phù hợp (một số vị trí không bắt buộc mang đủ bộ phòng hộ). Quy trình làm việc trong các bàn được tối ưu hóa. Các vị trí giám sát kiêm phục vụ hậu cần tuân thủ quy định về an toàn, kiểm soát nhiễm trùng, đồng thời hỗ trợ thành viên trong nhóm giải tỏa cơn khát cháy hay tình trạng thân nhiệt gia tăng.

Theo PGS Linh, chườm đá bên ngoài bộ bảo hộ cá nhân có thể giúp giảm nhiệt. Tuy nhiên, dội nước đá lên người hoặc ngâm chân trong nước mát hay một số hành động theo bản năng khác không được khuyến khích, cần được mỗi thành viên chú ý vì có thể ảnh hưởng tới quy trình an toàn, kiểm soát nhiễm trùng. Trong môi trường lấy mẫu, nguy cơ lây nhiễm rất cao, chỉ lơ là các quy định ở phút cuối khi đã gần xong nhiệm vụ cũng có thể dẫn tới hậu quả to lớn.

“Với các công việc mà đoàn đang đảm nhiệm, sự tuân thủ kỷ luật, tính chuyên nghiệp được nhấn mạnh ngang với quy trình chuyên môn kỹ thuật trong chương trình đào tạo của nhà trường và mỗi khi đoàn bước vào một phiên, một ngày làm việc. Chỉ cần một thành viên bị nhiễm, cả đoàn sẽ có nguy cơ”, thầy Linh nói.





Đoàn công tác gồm 81 cán bộ giảng viên, kỹ thuật viên và các em sinh viên năm thứ 3 ngành Kỹ thuật xét nghiệm của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng xuất phát đi Bắc Giang hôm 27/5. Ảnh: NVCC.

Đoàn công tác gồm 81 cán bộ giảng viên, kỹ thuật viên và sinh viên năm thứ ba ngành Kỹ thuật xét nghiệm của trường Đại học Y Dược Hải Phòng xuất phát đi Bắc Giang hôm 27/5. Ảnh: NVCC.

Hàng ngày, trở về từ cuộc họp với Ban chỉ huy tiền phương khi đã có kế hoạch công việc cụ thể, thầy Linh cùng cả đoàn lại liên lạc kết nối xuống các xã, thôn để thống nhất chi tiết công việc chuẩn bị cho hôm sau. Việc trao đổi đôi khi đến 1-2h sáng để đảm bảo sáng hôm sau đoàn đến là có thể triển khai công việc được ngay. Tại nhiều địa bàn, phải có người địa phương ra dẫn các xe của đoàn vào vị trí đã thống nhất, tránh bị lạc hay phải tìm mất nhiều thời gian.

Trong tuần đầu làm việc, nhiều người trong đoàn chỉ ngủ 2-4 tiếng nhưng đã quen vì thường phải đi trực ở bệnh viện. Đây là thử thách song đồng thời cũng là môi trường để rèn luyện sự tuân thủ kỷ luật làm việc và tính chuyên nghiệp. “Tôi tự hào ghi nhận sự nỗ lực, hành động xả thân vì cộng đồng, sự trưởng thành hơn của các thành viên qua công việc những ngày vừa qua”, thầy Linh chia sẻ.

Bình Minh


Thư Viện Tài Liệu

Trung Tâm Tứ Hải

Liên Hệ

25/25 Nguyễn Bỉnh Khiêm,
P. Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh

+84 91 657 90 68
Nhapdiem.tuhai@gmail.com