Một phụ huynh ở TP.HCM cùng con gái ôn tập môn tiếng Việt lớp 3 tại nhà – Ảnh: NHƯ HÙNG
“Tôi cũng đồng quan điểm nói không với bài tập để các em có kỳ nghỉ tết thú vị. Còn mỗi ngày đến lớp, sáng học chính khóa, chiều học tăng tiết, phụ đạo ngoại khóa rồi cũng không nhất thiết cho con bài về nhà.
Một giáo viên tiếng Anh ở TP.HCM
Nhiều chuyên gia, giáo viên còn mạnh dạn đề xuất có thể tính toán phương án “nói không với bài tập về nhà”. Tuy nhiên, cũng còn không ít băn khoăn, lo ngại, rằng nếu không giao bài tập về nhà thì học sinh có thể quên kiến thức và khó theo kịp chương trình.
“Vui như tết” khi không bài tập về nhà
Trong nội dung thông báo cho học sinh sinh viên nghỉ học để phòng dịch COVID-19, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Quảng Bình yêu cầu giáo viên không giao bài tập cho học sinh để các em đón tết đầm ấm, vui tươi. Không những phụ huynh, học sinh ở 2 địa phương này vui mừng ủng hộ, mà các tỉnh thành cũng hoan nghênh tinh thần này.
Anh L.Đ.T. có con học tại Trường THCS Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) chia sẻ: “Các năm nghỉ tết nhưng vẫn phải học, mỗi ngày làm một ít bài trong “đống” bài vở giao về nhà trong dịp tết. Năm nay nghe tin không bài tập về nhà, con vui mừng, cha mẹ cũng ủng hộ. Bản thân là phụ huynh, ai cũng mong muốn con mình học tập thoải mái nên tôi mong năm nào cũng như thế”.
Chị Trương Ánh Kha, có con học lớp 3 Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1, TP.HCM, cho biết chị “vui lây” khi những ngày qua mạng xã hội lan truyền thông tin chuyện không bài tập về nhà trong kỳ nghỉ tết. “Trên mạng tôi bình luận “Vui như tết!” khi con không phải làm bài tập về nhà, vì tôi quá hiểu cảnh ngày cuối năm, tối đến phải chỉ con học. Tôi không muốn cho con làm bài về nhà, nhưng cô giao cả lớp, con không làm mà bạn làm thì mình sốt ruột” – chị Kha nói.
Cần những trải nghiệm ngày tết
Nghỉ tết, ban ngày vui chơi, tối đến phải ngồi vào bàn 45 phút để làm bài dần dần trong số bài tập giáo viên giao, em Hà Anh, lớp 5 Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.7, TP.HCM), chia sẻ: “Nghỉ tết em cũng giúp mẹ việc nhà, đi siêu thị phụ xách đồ cho mẹ vì ngày cuối năm đông đúc. Em phải tự dọn phòng ngủ của mình, sắp xếp lại quần áo, lọc những bộ nào không còn vừa em cùng mẹ mang sang trung tâm trẻ em cơ nhỡ, mồ côi. Nhưng tối vẫn phải xem sơ qua bài vở như lời cô dặn. Em luôn mong muốn tết thật vui, tết là không phải làm bài tập”.
Khánh Linh, một học sinh lớp 5 khác ở TP.HCM, thành thật cho biết: “Em có được giao bài nhưng ba mẹ không ép em học. Nghỉ tết là để em có nhiều trải nghiệm, em sẽ về quê ở Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Về đó em sẽ gói bánh chưng, chuẩn bị lá dong, củi, chuẩn bị gạo nếp cùng các dì. Rồi cũng lau dọn nhà, phụ việc nhà cho ông bà. Gần ngày đi học, em chỉ xem lại bài vở để củng cố kiến thức”.
Tết với nhiều học sinh nông thôn là để phụ giúp gia đình. Em Ngô Thị Tâm, Trường THCS thị trấn Châu Ổ (tỉnh Quảng Ngãi), kể nghỉ học là thời điểm bắt đầu quê vào vụ mùa rau quả để dùng dịp tết. “Vì thế em phụ mẹ làm vườn. Mẹ mua hạt giống, hai anh em phụ làm luống đất, làm đất tơi ra, làm sạch cỏ. Ngoài ra còn đi ngâm dây lạt gói bánh chưng, đi hái lá chuối về gói bánh, thái gừng làm mứt vì ở quê tết rất lạnh nên nhà nào cũng có mứt gừng… Ngày tết em cũng được giao bài tập nhưng em chỉ xem bài khi gần ngày trở lại trường” – Tâm nói.
Không hiệu quả
Thầy giáo Nguyễn Xuân Đắc, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết: “Nghỉ tết, trường yêu cầu giáo viên không giao bài tập cho học sinh để các em có tết trọn vẹn. Thời gian nghỉ tết khoảng 7-9 ngày, không quá dài để các em quên kiến thức. Hơn nữa khi giao bài, không chỉ học sinh phải làm bài mà kéo theo cả người lớn, cha mẹ nhắc nhở, hỗ trợ, mệt cho cả hai. Và lượng bài tập nhiều thì vào lớp chắc chắn giáo viên cũng không thể nào kiểm tra, sửa chữa hết được, vì thế làm bài cũng không có tác dụng, không hiệu quả. Hãy để các em có một cái tết vui chơi, không lo nghĩ chuyện bài tập”.
Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Kim Dung (viện trưởng Viện giáo dục khoa học Nam Việt):
Không cực đoan
Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Kim Dung
Tôi ủng hộ việc không giao bài tập về nhà trong dịp tết. Còn ngày thường, tôi cho rằng cũng cần phải cân nhắc vì trẻ đã học ở trường rồi và học 2 buổi/ngày, về nhà tại sao bắt con học nữa?
Tuy nhiên, tùy theo góc độ của từng đứa trẻ, có trẻ trong trường làm bài không kịp thì về nhà làm thêm cũng không sao. Cho nên ở đây đừng thái quá cực đoan, tùy theo tình huống của trường học và tình huống của từng đứa trẻ.
Tôi không phản đối việc cho bài tập về nhà nhưng cực kỳ phản đối nếu như bài tập không phù hợp bối cảnh và từng đứa trẻ. Phải cân nhắc hết để biết cái lợi và cái hại của chuyện giao bài về nhà cho con hay không. Không phải ở đâu trẻ cũng học 2 buổi/ngày, có những địa phương các bé vẫn học 1 buổi. Vậy buổi còn lại con làm gì, xem tivi hay vi tính, iPad?
Tôi tán thành nguyên tắc tùy mức độ học tập mà giao bài về nhà vừa phải và nhất thiết không biến bài tập về nhà thành gánh nặng. Vì khi thành gánh nặng thì cực kỳ nguy hiểm, khi đó phụ huynh mời thầy dạy, đưa con về nhà thầy cô giáo học thêm.
Ông Lê Ngọc Điệp (nguyên trưởng Phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM):
Không chỉ học từ sách vở
Tôi đến một trường tiểu học ở Stockholm, Thụy Điển thấy có một cái tủ trưng bày nhiều món đồ nhỏ như búp bê, cây đàn nhỏ bằng gỗ… Giáo viên cho biết đó là đồ lưu niệm của học sinh trong lớp mùa hè đi du lịch với gia đình về thì mang tới lớp giới thiệu với bạn bè rồi tặng cho lớp để trong tủ.
Ở Singapore, hằng tuần các nhóm học sinh sẽ kể chuyện đi siêu thị, nghe nhạc, xem phim với ai, có gì đặc biệt mà theo bạn là đáng nhớ. Ở Thái Lan thì học sinh vào chùa nghe tụng kinh. Còn ở Indonesia, học sinh được vào tham quan trường dạy làm tiếp viên hàng không, tập làm phi công…
Tôi chỉ kể thoáng qua một vài hình ảnh để thấy rằng việc học không chỉ nằm trong sách giáo khoa với các bài tập mà học sinh phải hoàn thành trong kỳ nghỉ tết, hay phải gò lưng học thêm trong mùa hè dành cho các em được nghỉ ngơi sau 9 tháng ôm vở bài.
Nhà trường và thầy cô hãy để các em được vui chơi, được đi cùng người thân của mình vào mỗi năm tết đến xuân về và hết năm học được nghỉ hè. Đó chính là giáo dục, là nuôi dưỡng kiến thức và tâm hồn các em, để các em trở thành con người phát triển toàn diện.
Thầy giáo Lâm Vũ Công Chính (Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM):
Hãy để trẻ yêu tết
Thầy giáo Lâm Vũ Công Chính
Trẻ con thời nào cũng trông chờ tới tết để được lì xì, được mặc quần áo mới, du xuân cùng gia đình, hay đơn giản chỉ là được nghỉ học xả hơi sau đợt kiểm tra học kỳ 1 đầy căng thẳng. Tuy vậy, đôi khi thầy cô vì lo lắng học trò mải chơi sẽ quên bài học, “rơi rụng” kiến thức sau một kỳ nghỉ dài nên không ngần ngại “lì xì” cho các em nhiều bài tập. Đôi khi thầy cô còn kèm theo những lời “hứa hẹn” hoặc cả “hăm dọa” với những bài vở này. Thật ra, thầy cô giao bài tập cũng xuất phát từ cái tâm không muốn học sinh quên bài, “nhàn cư vi bất thiện”, nhưng giao quá nhiều lại không tốt.
Theo tôi, học sinh sẽ học được nhiều hơn trong dịp tết nếu không phải quần quật với mớ bài tập chất chồng. Các em sẽ cảm nhận được hương vị ngày tết, tự học những nét văn hóa, phong tục ngày tết, các giá trị truyền thống được ông bà, cha mẹ giữ gìn và tiếp nối. Các em sẽ yêu tết, yêu các giá trị truyền thống của tết khi các em được hạnh phúc. Chính những điều này sẽ tạo nên một ký ức các cái tết trọn vẹn cho các em, để khi các em nhớ về tết, không phải nhớ đến “núi” bài tập.
Thay vì bài tập, học sinh cũng nên được giáo dục về những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại có ý nghĩa rất lớn cho nhiều năm sau này, như cách vui chơi, giải trí lành mạnh, hạn chế sử dụng bia rượu, chất kích thích, không tham gia cờ bạc, đốt pháo, chất gây nổ… Với lớp tôi, thầy trò đã hẹn một buổi gặp gỡ online vào mùng 1 này trên Teams – nền tảng mà chúng tôi vẫn thường học online – nhưng không phải để giảng bài, giải bài mà là để gửi đến nhau những lời chúc ý nghĩa dịp đầu năm…
T.THƯƠNG – T.NHÂN ghi
Đứa trẻ cần được là… đứa trẻ
Học sinh lớp 1 trong tiết học tại Mỹ – Ảnh: GETTY IMAGES
TS Nguyễn Đông Hải, giảng dạy tại ĐH Tennessee (Mỹ), chia sẻ học phổ thông ở Mỹ thường có ít bài tập về nhà. Lớp càng nhỏ, bài càng ít, thậm chí là không có. Ở bậc tiểu học, nếu có làm bài đi nữa, thời gian để hoàn tất chỉ khoảng 10 phút với lớp 1 và tối đa 45 phút với các lớp 4, 5. Quan điểm của các trường và giáo viên là học trên trường đủ rồi, ra khỏi trường cần được chơi đùa, hoạt động ngoài trời, sinh hoạt với gia đình thay vì vùi đầu thêm vào sách vở.
“Có lần chính tôi cũng thấy quan ngại, sao mà con đi học về không có ngày nào là có bài tập về nhà. Tôi hỏi cô giáo của con, cô trả lời: Không giao bài tập về nhà vì muốn để cho đứa trẻ được là một… đứa trẻ” – TS Hải kể.
Cũng theo TS Hải, việc dạy học ở Việt Nam nặng về kiến thức, học sinh phải ghi nhớ nhiều thứ nên chỉ có thể ghi vào bộ nhớ ngắn hạn chứ không phải bộ nhớ dài hạn. Vì vậy, sau vài ngày không đụng tới thì kiến thức sẽ mai một. Cho nên giáo viên cho bài tập về nhà trong dịp nghỉ tết là cũng vì lo cho các em khi qua tết sẽ không còn nhớ bài, vất vả chính các em và cả thầy cô. Việc này xét ở góc độ nào đó cũng cần thiết trong bối cảnh học hành ở Việt Nam hiện giờ.
“Vấn đề là giáo viên nào cũng muốn học sinh ôn thật nhiều môn của mình để không quên kiến thức, thành ra cho bài nhiều, và nhiều giáo viên như vậy thì học sinh không còn thời gian ăn tết nữa” – TS Hải nói.
Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng cho học sinh rất ít bài tập về nhà, đặc biệt trong những dịp nghỉ lễ dài ngày. Ở Phần Lan, các trường thường tận dụng tối đa nhất thời gian trên lớp. Bên cạnh các môn văn hóa, trẻ được chú trọng phát triển thể chất, những kỹ năng mềm đơn giản như cách giao tiếp, ứng xử, cách hợp tác và tinh thần dám chịu trách nhiệm. Vì vậy bài tập về nhà rất ít. Trung bình các em chỉ mất khoảng 2,8 tiếng/tuần (khoảng 24 phút/ngày) cho tất cả các nhiệm vụ ngoài trường học, bao gồm cả làm bài.
Hàn Quốc cũng là một trong những nước ít giao bài tập cho học sinh tiểu học, trung bình cần khoảng 2,9 tiếng/tuần để hoàn tất các bài được giao. Chương trình tiểu học ở Hàn Quốc được định hướng phát triển ngôn ngữ, bồi đắp đạo đức cho trẻ, vì thế hệ thống môn học được thiết kế lấy những tiêu chí này làm trung tâm. Cũng do chú trọng ngôn ngữ và đạo đức hơn những kiến thức lý thuyết sách vở trong những năm tiểu học, các trường ở Hàn Quốc giao rất ít bài cho các em ở nhà. Tuy nhiên, khối lượng bài vở sẽ tăng thêm khi các em lên những lớp lớn hơn.
TRỌNG NHÂN
Link Báo Gốc: https://tuoitre.vn/tet-khong-bai-tap-duoc-khong-20210205090956377.htm