17 trường quân đội tuyển sinh hệ đại học quân sự năm 2021 theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, tổ chức sơ tuyển từ ngày 1/3 đến 25/4.

Theo hướng dẫn công tác sơ tuyển đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp quân sự năm 2021 của Ban Tuyển sinh quân sự, Bộ quốc phòng, đối tượng tuyển sinh vào 7 học viện và 10 trường sĩ quan năm nay là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ được 12 tháng trở lên (tính đến tháng 4), quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ trong quân đội đủ 12 tháng (tính đến tháng 9). Độ tuổi được đăng ký từ 18 đến 23.

Nam thanh niên ngoài quân đội được đăng ký không hạn chế, độ tuổi từ 17 đến 21. Những người 18-23 đã xuất ngũ hoặc công dân hoàn thành nghĩa vụ công an nhân dân cũng được đăng ký xét tuyển vào trường quân đội.

Với nữ thanh niên ngoài quân đội và nữ quân nhân, năm nay ngành Bác sĩ quân y của Học viện Quân y và các ngành ngoại ngữ tại Học viện Khoa học quân sự chỉ tuyển 10% chỉ tiêu. Các ngành Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Điện tử Y sinh, Khí tài quang, Địa tin học tại Học viện Kỹ thuật quân sự tuyển không quá 6% trên tổng chỉ tiêu. Đối với các ngành được giao tuyển nữ, mỗi ngành tuyển ít nhất 2 thí sinh.

Một lưu ý khác cho những thí sinh dự định thi vào trường quân đội là năm nay Học viện Hậu cần không còn tuyển sinh đào tạo ngành Tài chính và Học viện Khoa học quân sự không tuyển sinh ngành Quan hệ quốc tế về quốc phòng.

Để đăng ký xét tuyển các trường quân đội, mỗi thí sinh phải làm 2 hồ sơ riêng biệt, một bộ đăng ký sơ tuyển do Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng phát hành, một bộ do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành. Thời gian tổ chức sơ tuyển từ ngày 1/3 đến 25/4.

Thí sinh ngoài quân đội đăng ký sơ tuyển và mua hồ sơ tại Ban tuyển sinh quân sự cấp huyện, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Thí sinh là quân nhân đang tại ngũ đăng ký và mua tại đơn vị cấp trung đoàn hoặc tương đương.

Khi đăng ký sơ tuyển, thí sinh phải xét tuyển nguyện vọng 1 (cao nhất) vào trường nộp hồ sơ, các nguyện vọng còn lại vào các trường ngoài quân đội (thực hiện đăng ký theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Các em cần lưu ý trường quân đội và công an đều chỉ xét tuyển đối với thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, vì vậy chỉ làm hồ sơ sơ tuyển vào một trong hai khối trường.

Một thí sinh đang phục vụ tại ngũ dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Về tiêu chuẩn sức khỏe, ngoài đạt các chỉ tiêu chung về thể lực, mắt, tai – mũi -họng, răng – hàm – mặt, nội khoa, tâm thần kinh, ngoại khoa da liễu và sản phụ khoa (đối với nữ), các trường có quy định riêng về chiều cao, cân nặng và tật khúc xạ.

Nhóm trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần, gồm Học viện Hậu cần, Phòng không – Không quân, Hải quân, Biên phòng và các trường sĩ quan Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Pháo binh, Công binh, Tăng – Thiết giáp, Thông tin, Đặc công, Phòng hóa, yêu cầu thí sinh nam cao từ 1,65 m trở lên, cân nặng từ 50 kg. Mắt không mắc tật khúc xạ cận thị.

Các trường đào tạo sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, gồm Học viện Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự; hệ đào tạo kỹ sư hàng không thuộc Học viện Phòng không – Không quân; hệ đào tạo cao đẳng quân sự tại Trường Sĩ quan Không quân, yêu cầu thí sinh nam cao từ 1,63 m trở lên, cân nặng từ 50 kg; thí sinh nữ phải cao từ 1,54 m, cân nặng từ 48 kg. Mắt mắc tật khúc xạ cận thị không quá 3 đi-ốp. Các thí sinh ở khu vực khó khăn, người dân tộc thiểu số theo quy định sẽ được hạ một chút tiêu chuẩn về chiều cao.

Việc tổ chức khám sức khỏe sơ tuyển cho thí sinh đăng ký sơ quyển sẽ được chia làm hai đợt. Đợt 1 vào tuần thứ ba và thứ tư của tháng 3. Đợt 2 vào tuần thứ hai của tháng 4. Thời gian cụ thể sẽ do Ban tuyển sinh quân sự các đơn vị, địa phương bố trí.

Sau khi khám sức khỏe đợt hai, trước khi kết thúc thời gian sơ tuyển (25/4), nếu còn thí sinh đăng ký tham gia sơ tuyển, các địa phương, đơn vị tiếp tục tổ chức khám sức khỏe cho những em này.

Về đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT để dùng kết quả thi xét tuyển vào các học viện, trường trong quân đội, thí sinh mua hồ sơ và đăng ký theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giống như năm trước, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, với các trường quân đội, thí sinh phải lưu ý điều chỉnh theo nhóm trường theo đúng vùng miền và đối tượng tuyển sinh.

Nhóm 1 gồm Học viện Hậu cần, Hải quân, Biên phòng, Phòng không – Không quân (hệ Chỉ huy tham mưu) và các trường sĩ quan Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Đặc công, Pháo binh, Tăng-Thiết giáp, Phòng hóa, Thông tin, Công binh.

Nhóm 2 gồm Học viện Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự, Phòng không – Không quân (hệ Kỹ sư hàng không).

Theo quy định này, thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng từ trường này sang trường khác trong cùng một nhóm, tránh như năm ngoái có một thí sinh ở Thanh Hóa đạt 27,14 điểm vẫn bị báo trượt do đổi nguyên vọng từ trường Sĩ quan Lục quân 1 (nhóm 1) sang Học viện Kỹ thuật quân sự (nhóm 2).

Liên quan đến cách tính điểm chuẩn, thí sinh lưu ý các trường xét tuyển đồng thời tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) và A01 (Toán, Lý, Anh) sẽ lấy một điểm chuẩn chung cho cả hai tổ hợp. Học viện Quân y cũng lấy một điểm chuẩn chung cho tổ hợp A00 và B00 (Toán, Hóa, Sinh).

Thí sinh được tính điểm chuẩn theo hộ khẩu thường trú, phía Nam phải có hộ khẩu thường trú từ tỉnh Quảng Trị trở vào. Thời gian có hộ khẩu ở khu vực này tính đến tháng 9 phải đủ ba năm thường trú liên tục. Các em cũng phải đảm bảo có ít nhất năm lớp 12 học và dự thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh phía Nam.

Hiện, Ban Tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng chưa thông báo chỉ tiêu cụ thể vào từng ngành, trường. Năm ngoái, điểm trúng tuyển vào nhóm trường này từ 17 đến 28,65.

Dương Tâm


Thư Viện Tài Liệu

Trung Tâm Tứ Hải

Liên Hệ

25/25 Nguyễn Bỉnh Khiêm,
P. Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh

+84 91 657 90 68
ltrucanh@gmail.com