Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói Việt Nam cần thêm nhiều cơ sở đào tạo y dược vì tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân còn thấp so với mức trung bình thế giới.

Tại Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng thành lập trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, chiều 18/11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đây là dấu mốc quan trọng cho trường và cả ngành y tế.

Theo ông Đam, so với mặt bằng kinh tế xã hội chung của đất nước và các quốc gia, vùng lãnh thổ có sự phát triển tương đương, hiệu quả chăm sóc sức khỏe và trình độ y bác sĩ của Việt Nam tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, ông Đam khẳng định “chúng ta vẫn còn thiếu”.

Dẫn lại số liệu mới nhất của Bộ Y tế, ông cho biết trên thế giới, trung bình có 15,4 bác sĩ trên một vạn dân, trong khi Việt Nam chỉ 8,7 người. Tương tự với dược sĩ và điều dưỡng, số liệu trung bình thế giới lần lượt là 6,02 và 13,7 người trên một vạn dân, Việt Nam 2,91 và 11,4 người. Ở nhiều quốc gia, trung bình một bác sĩ có ba điều dưỡng nhưng tại Việt Nam, một bác sĩ chưa được một điều dưỡng. Ông Đam cho rằng Việt Nam cần thêm nhiều cơ sở đào tạo y dược.

Tuy nhiên, dù thiếu về mặt số lượng, việc thành lập một đại học y dược rất hiếm hoi và khắt khe do yêu cầu cao, nghiêm khắc về chất lượng đào tạo y khoa. “Đại học Y Dược phải là trường có uy tín, trở thành một trung tâm đào tạo nhân lực quan trọng của ngành y tế Việt Nam. Đây là trách nhiệm nặng nề của bộ máy lãnh đạo trường”, ông Đam nói.

[Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, chiều 18/11. Ảnh: Thanh Hằng

Phó thủ tướng gợi ý Đại học Y Dược cần gắn kết các bệnh viện hàng đầu thành hệ thống đối tác lâu dài để sinh viên có môi trường thực tập, đồng thời thu hút y bác sĩ tham gia giảng dạy. Ngoài ra, là thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, đơn vị rất mạnh về nghiên cứu khoa học, Đại học Y Dược có thể tận dụng lợi thế này để thực hiện định hướng “không chỉ đào tạo bác sĩ khám chữa bệnh, cứu người mà còn là nhà khoa học”.

Ông cho rằng trong thời kỳ đổi mới, việc ra đời sau tuy có hạn chế nhưng sẽ giúp Đại học Y Dược nhìn nhận được điểm mạnh, yếu trong mô hình quản lý của các trường cùng ngành đào tạo, từ đó khắc phục và phát triển. Trong 10 năm tới, phó thủ tướng bày tỏ hy vọng Đại học Y Dược có thể đào tạo nội trú, là nơi thu hút cán bộ, học sinh làm việc và học tập, đồng thời nhân lực tốt nghiệp từ trường sẽ được các bệnh viện hàng đầu săn đón.

Tiếp lời Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, PGS TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định Đại học Y Dược sẽ là nơi sinh viên mơ ước vào học và bệnh viện mong muốn sở hữu nhân lực tốt nghiệp từ đây. Bên cạnh đó, khoa học mà trường nghiên cứu sẽ tạo nền tảng, tiền đề để lâm sàng phát triển, nâng cao trình độ của sinh viên, giảng viên và cả ngành y tế. “Chúng tôi sẽ khiến ngành y tế, giáo dục cùng tự hào và hứa hoàn thiện những việc này trước 10 năm”, ông Sơn nói.

Ngày 27/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thành lập Đại học Y Dược trên cơ sở Khoa Y Dược của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Lê Ngọc Thành, Chủ nhiệm Khoa Y Dược, giữ chức Hiệu trưởng Đại học Y Dược. Các phó chủ nhiệm khoa giữ chức phó hiệu trưởng.

Từ khi được thành lập năm 2010, Đại học Y Dược đã có 306 sinh viên tốt nghiệp, trong đó 138 bác sĩ đa khoa, 168 dược sĩ. Hiện, trường đang đào tạo 1.547 sinh viên chính quy, mở thêm các ngành Răng hàm mặt, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Điều dưỡng.

Đại học Quốc gia Hà Nội hiện có 8 trường thành viên, gồm: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Công nghệ, Đại học Kinh tế, Đại học Giáo dục, Đại học Việt Nhật và Đại học Y Dược; và 4 khoa: Luật, Quốc tế, Quản trị và Kinh doanh, Các khoa học liên ngành.

Thanh Hằng


Thư Viện Tài Liệu

Trung Tâm Tứ Hải

Liên Hệ

25/25 Nguyễn Bỉnh Khiêm,
P. Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh

+84 91 657 90 68
ltrucanh@gmail.com