Bút tích của nhà thơ Đông Hồ – Ảnh: TRỌNG NHÂN chụp lại
Theo PGS.TS Võ Văn Nhơn, nguyên phó trưởng khoa văn học và ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhiều văn nhân thời trước xem nhà thơ Đông Hồ (1906-1969) là người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng cách viết thư pháp bằng chữ Việt, theo bảng chữ cái Latin.
Từng dành nhiều năm nghiên cứu về nhà thơ Đông Hồ, cũng là tác giả cuốn sách Đông Hồ – Mộng Tuyết (NXB Hội nhà văn, 1992), ông Nhơn cho biết bạn cùng thời thường đến nhờ nhà thơ viết chữ. Thi sĩ Quách Tấn (1910-1992) từng “xin” chữ của Đông Hồ cho bức trướng treo trong nhà.
Nhà văn Lê Văn Siêu (1911-1995) cũng có nhắc: “Mỗi lần Tết, Đông Hồ đều gửi cho anh em một tấm thiệp, có bài thơ mừng xuân”. Tất cả đều là chữ quốc ngữ nhưng được viết bằng bút lông, mực tàu theo phong cách thư pháp Hán tự trước đây.
Thời gian đầu, nhiều người thấy lạ mắt nhưng về sau khá thích thú khi nhận được chữ từ Đông Hồ.
“Thêm nữa, bác lại có ý muốn gây một phong trào chơi câu đối viết bằng chữ quốc ngữ”, nhà văn Lê Văn Siêu viết.
Nhà thơ Đông Hồ – Ảnh tư liệu
ThS Nguyễn Hiếu Tín – hiện nay là Trưởng bộ môn du lịch, Trường ĐH Tôn Đức Thắng – cho biết bút tích của Đông Hồ hiện còn rất nhiều trong sách vở hay chùa chiền.
Qua những cứ liệu, bút tích còn lại, thêm chuyện Đông Hồ là người cả đời tâm huyết vì sự phát triển của tiếng mẹ đẻ… nhiều người xem Đông Hồ như “ông tổ” trong giới thư pháp chữ Việt.
Chữ Việt vươn ra thế giới
Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Sơn trong chuyến đưa thư pháp chữ Việt ra thế giới – Ảnh: NVCC
Ngày nay, thư pháp chữ Việt ngày càng được nhiều người biết đến và yêu thích. Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Sơn – một trong những người gầy dựng phong trào chơi thư pháp chữ Việt ở TP.HCM – cho biết ưu điểm của thư pháp chữ Việt là tính quốc tế hóa, tinh thần hội nhập.
Từ cách viết thư pháp chữ Việt, người viết có thể vận dụng sáng tạo cho những ngôn ngữ khác dùng chữ Latin như tiếng Anh, Đức, Tây Ban Nha… Đây là điều mà thư pháp chữ Hán rất khó tiếp cận.
Kiến trúc sư Thanh Sơn chia sẻ, muốn viết, trước hết phải thật sự tĩnh tâm, có lúc phải ngồi thiền mới bắt đầu cầm bút được. Bản thân ông, có những chữ ông viết đi viết lại nhiều lần, có khi mất một tháng mới ưng ý.
“Thư pháp chữ Việt là môn nghệ thuật công phu, đòi hỏi người viết phải khổ công luyện tập về nhiều phương diện mới có thể ít nhất viết được một chữ trọn vẹn”, ông nói.
Tại TP.HCM hiện có câu lạc bộ những người yêu thích thư pháp (hoạt động ở Nhà văn hóa quận 1) do ông Sơn thành lập, hướng dẫn các anh em đam mê tập viết. Ông cũng nhiều lần được một số nước như Thụy Sĩ, Mỹ… mời xuất ngoại để triển lãm thư pháp chữ Việt.
Các “ông đồ” trẻ viết chữ tại Nhà văn hóa thanh niên (Q.1, TP.HCM) dịp Tết Tân Sửu – Video: TRỌNG NHÂN
Nhà thơ Đông Hồ tên thật là Lâm Tấn Phác, sinh ở làng Mỹ Đức (Hà Tiên). Vì tổ tiên nhiều đời sống ở ven Đông Hồ Ấn Nguyệt – một trong mười cảnh đẹp của đất Hà Tiên (Hà Tiên thập cảnh) – nên khi mới bắt đầu biết làm thơ, ông chọn bút danh Đông Hồ.
Giai đoạn 1926-1934, ông mở nhà nghĩa học bên bờ Đông Hồ Ấn Nguyệt, lấy tên là Trí Đức Học Xá. Ông tự mình đứng lớp dạy chữ quốc ngữ, lúc này vẫn còn ít phổ so với chữ Pháp hay chữ Hán. Đông Hồ từng thổ lộ, ông học theo lời dạy của nhà thơ Tagore (Ấn Độ): “Có học tiếng mẹ đẻ thì chúng ta mới vỡ trí khôn ra được”.
Từ năm 1964 đến 1969, ông được mời dạy môn Văn học miền Nam tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Là người rất lịch thiệp và cầu kỳ, những khi tiếp khách, những lúc ngâm thơ, Đông Hồ đều ăn mặc trang trọng và đốt trầm hương…
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, cháu họ của nhà thơ Mộng Tuyết, và những hình ảnh, di bút của vợ chồng thi sĩ Đông Hồ được trưng bày tại nhà lưu niệm ở Kiên Giang – Ảnh: NGUYỄN TRIỀU
Những nét chữ viết bằng bút lông, mực tàu của Đông Hồ – Ảnh: TRỌNG NHÂN chụp lại
Những nét chữ viết bằng bút lông, mực tàu của Đông Hồ – Ảnh: TRỌNG NHÂN chụp lại
Những nét chữ viết bằng bút lông, mực tàu của Đông Hồ – Ảnh: TRỌNG NHÂN chụp lại
Link Báo Gốc: https://tuoitre.vn/ong-to-cua-nghe-thuat-thu-phap-chu-viet-20210205225248382.htm