Những tù nhân của địa lý

Prisoners of Geography

Tim Marshall

(tác giả)

Ý thức hệ có thể đến rồi đi, nhưng các yếu tố địa chính trị sẽ tồn tại mãi. Có thể tóm tắt tinh thần cuốn sách này trong câu nói này của Tim Marshall tác giả cuốn sách Những tù nhân của địa lý. Địa lý do thiên nhiên tạo sinh, nhưng đường biên giới là do nhân tạo. Các quốc gia bị cầm tù trong thế địa-chính trị của mình, nơi địa lý xung đột với ý thức hệ, tôn giáo và sắc tộc. Sự vẫy vùng của các quốc gia bị mắc kẹt, sự tung hoành của các quốc gia được ưu đãi về địa lý, tầm nhìn của các nhà lãnh đạo, khát vọng của các dân tộc, đã gây ra những vấn đề có tính xung đột từ khu vực đến toàn cầu.

Những tù nhân của địa lý: 10 tấm bản đồ bạn cần nắm để hiểu về địa chính trị là một bức tranh dễ hiểu, tuy không đơn sắc, để bạn đọc nắm được những gì nằm sau vị thế của các quốc gia, từ cường quốc hòa bình và thịnh vượng đến những nước nghèo suốt ngày sống trong bom đạn. Đó là Địa-Chính-Trị. Địa chính trị không giúp giải thích trọn vẹn và thấu đáo quan hệ quốc tế (chính trị, quân sự, kinh tế) nhưng nó giúp bạn đọc dễ hiểu hơn những gì đã và đang diễn ra suốt thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.  

Những tù nhân của địa lý còn là một bức tranh toàn cảnh về tình hình chính trị thế giới. Qua mười chương sách (Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Tây Âu. châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ và Pakistan, Triều Tiên và Nhật Bản, châu Mỹ Latin, Bắc Cực), Tim Marshall muốn triển khai một luận điểm chủ đạo rằng: các quyết sách chính trị trên thế giới bị giới hạn bởi các nhân tố địa lý như núi non, sông ngòi, biển cả, và tài nguyên thiên nhiên; địa lý đã góp phần quan trọng việc định hình nên các quốc gia và các vùng lãnh thổ, hình thức và vị thế chính trị của họ.

Tác giả đã trình bày và phân tích chi tiết về những lợi thế và yếu điểm địa lý của các quốc gia, những triển vọng và vấn nạn của nhân loại trong một thế kỷ sắp tới, trước khi đạt được giấc mơ vươn vào không gian, “không phải với tư cách người Nga, người Trung Quốc hay người Mỹ, mà là những đại diện của nhân loại.”

“Người Nga vẫn sẽ lo âu dõi mắt về phía tây, nơi có dải đất hãy còn là bình nguyên, dễ bị xâm nhập. Ấn Độ và Trung Quốc vẫn sẽ bị cách ngăn bởi dãy Himalaya sừng sững, và địa lý sẽ xác định bản chất của những cuộc xung đột giữa hai nước trong tương lai, bất chấp sự phát triển của công nghệ và quân sự. “Đại gia đình châu Âu” đói khát năng lượng, phải phụ thuộc vào những đường ống dẫn dầu từ Nga, và do đó họ không thực sự có nhiều lựa chọn trên bàn đàm phán. Sự suy sụp của Hoa Kỳ trong vị thế một siêu cường số một dường như đã bị thổi phồng quá mức, nếu xét tới những lợi thế địa lý mà nước này đã dày công gây dựng.”

Trong sách có rất nhiều dẫn chứng cho thấy vai trò then chốt của các nhân tố địa lý trong bối cảnh chính trị hiện đại. Nhân loại đang trên đường hiện thực hóa giấc mơ vươn vào không gian. Nhưng Tim Marshall vẫn xác quyết rằng: “các nhân tố địa lý vốn đã góp phần xác định lịch sử đa phần sẽ tiếp tục xác định tương lai của chúng ta”, rằng “địa lý vẫn luôn luôn là một loại nhà tù định nghĩa một quốc gia là gì, hoặc có thể là gì, và là một nhà tù mà các nhà lãnh đạo thế giới thường phải nỗ lực để thoát ra”.

Nói tóm lại, một thế kỷ nữa kể từ bây giờ, nhân loại vẫn sẽ là Những tù nhân của địa lý. Đó là luận điểm chính của Tim Marshall.

Tác giả

Tim Marshall là ký giả người Anh với hơn 25 năm kinh nghiệm về tin tức đối ngoại. Ngoài vai trò ký giả và biên tập viên, Marshall còn là nhà bình luận khách mời về các sự kiện thế giới cho BBC, Sky News.  Prisoners of Geography là một trong năm cuốn sách của ông, được liệt vào danh sách New York Times Seller, đã được xuất bản ở Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Đài Loan.

“Khi chúng ta đang vươn tới những vì sao, chính bởi những thách thức đặt ra phía trước mà chúng ta có lẽ sẽ phải chung tay để ứng phó: du hành vào vũ trụ không phải với tư cách người Nga, người Trung Quốc hay người Mỹ, mà là những đại diện của nhân loại. Nhưng cho đến nay, mặc dù đã thoát khỏi sự kìm hãm của trọng lực, chúng ta vẫn đang bị giam giữ trong tâm trí của chính mình, bị giới hạn bởi sự nghi ngờ của mình về ‘kẻ khác’, và do đó bởi cuộc cạnh tranh chính yếu về tài nguyên. Phía trước chúng ta còn cả một chặng đường dài.”


Thư Viện Tài Liệu

Trung Tâm Tứ Hải

Liên Hệ

25/25 Nguyễn Bỉnh Khiêm,
P. Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh

+84 91 657 90 68
ltrucanh@gmail.com