Anh German Narvaez, giáo viên toán người Colombia, khi đang dạy tại một buổi học ở TP.HCM trước khi có dịch COVID-19 – Ảnh nhân vật cung cấp

Sau khi kết thúc kỳ nghỉ tết ở Pháp, Camille quay lại Việt Nam, háo hức mong được gặp lại sinh viên của mình. Thế nhưng thay vào đó Camille cho biết lớp tiếng Pháp của cô tại Trường đại học Trà Vinh vào đầu tháng 2 bị hoãn do dịch COVID-19.

“Tôi đã rất ngạc nhiên vì không nghĩ tình hình lại nghiêm trọng đến vậy, dù tôi vẫn biết quyết định đóng cửa trường học là biện pháp đúng đắn. Tôi rất buồn” – Camille chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Dạy online nhưng nhớ học trò

Tuy nhiên không lâu sau đó, trường cô tiến hành đăng tài liệu và bài tập lên mạng để sinh viên có thể học online, trước khi triển khai phương pháp dạy trực tuyến từ cuối tháng 3. Cô giáo 29 tuổi này chia sẻ cô mất khá nhiều thời gian để đưa các bài giảng của mình lên mạng sao cho sinh viên của mình dễ tiếp thu nhất.

Tương tự, cô Sandra Swanepoel – giáo viên dạy toán người Nam Phi tại một trường quốc tế ở TP.HCM – cũng lên lớp 5 buổi sáng một tuần thông qua màn hình máy tính.

Không lâu sau khi hoãn khai giảng sau tết vì COVID-19, trường của Sandra bắt đầu gửi bài tập về nhà cho học sinh và sau đó liền dạy online khi biết “kỳ nghỉ” sẽ kéo dài. Cô giáo người Nam Phi này tự bảo mình đã “già” và chưa bao giờ dạy online, nhưng trước tình thế đó cô không còn lựa chọn nào khác. Sandra cho biết hội “giáo viên già” đã phải cùng bàn với nhau làm sao để việc dạy online được tốt hơn. May mắn là mọi thứ cũng không đến nỗi quá khó khăn!

“Tôi vẫn nghe các giáo viên bảo nhau rằng mình nhớ học trò quá, muốn gặp lại chúng nó quá, kể cả đứa nghịch ngợm nhất” – cô Sandra “than thở” về nỗi nhớ học trò của mình.

Dạy môn toán nên cô Sandra và học trò của mình cũng “bày trò” tính toán xem… khi nào hết dịch. “Chúng tôi vẫn chưa thành công – Sandra nói – Chúng tôi dùng các số liệu cụ thể để tính toán và học trò của tôi rất bất ngờ khi thấy môn học của mình lại liên quan đến cuộc sống như vậy”.

Trong khi đó, một giáo viên dạy toán khác là anh German Narvaez, người Colombia, cũng duy trì công việc của mình thông qua các bài giảng online. Anh German hiện là giáo viên cấp I và II tại một trường song ngữ ở Q.Tân Bình, TP.HCM. Anh cho biết mình vẫn được lãnh lương, tuy nhiên thừa nhận không tránh khỏi lo lắng cho vấn đề tài chính của gia đình mình. Thế nhưng anh biết sức khỏe vẫn nên được đặt lên hàng đầu. 

“Còn khỏe thì sẽ còn làm việc được. Sẽ rất khó để giáo viên và nhân viên nhà trường kiếm sống trong thời gian này, nhưng sự an toàn của mọi người vẫn quan trọng hơn nhiều” – anh chia sẻ.

Anh John Dewhirst – người Anh, giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm Anh ngữ ở TP.HCM – cho biết mình hiểu lý do tại sao phải đóng cửa, nhưng cũng mong muốn được trở lại làm việc. 

“Giáo viên chỉ được trả tiền khi họ làm việc, vì vậy khi không làm việc chúng tôi không được trả tiền. Tuy nhiên, trung tâm của tôi cũng rất tốt khi cung cấp các lớp học trực tuyến cho chúng tôi để dạy, vì vậy chúng tôi có thể kiếm thêm một số tiền nếu chúng tôi muốn dạy các lớp đó” – anh nói.

Việc đóng cửa trung tâm đã tác động rất lớn đến đời sống thường ngày của anh, đầu tiên là thu nhập giảm nhiều trong 3 tháng qua, John cho biết. Tuy nhiên, bây giờ anh có nhiều thời gian hơn để làm những điều mà bình thường anh không có thời gian, như đầu tư cho kênh YouTube VNYO nói về Việt Nam của mình.

Chúng tôi không giàu hay có nhiều tiền như nhiều người Việt Nam nghĩ.

Ông David James (giáo viên dạy tiếng Anh ở Cần Thơ) chia sẻ.

Người dạy online, kẻ thất nghiệp - Ảnh 3.

Anh John Dewhirst, giáo viên một trung tâm Anh ngữ, cùng học trò tại một buổi học trước khi có dịch COVID-19 ở TP.HCM – Ảnh nhân vật cung cấp

Xoay xở bằng tiền tiết kiệm

Cô giáo người Pháp Camille Q. ở Trà Vinh nói mình may mắn khi vẫn giữ được mức thu nhập như trước dịch. Tuy nhiên, không may mắn như cô Camille Q., không ít giáo viên nước ngoài phải rơi vào tình cảnh khó khăn khi mất việc làm hay thu nhập bị ảnh hưởng nhiều.

“Giáo viên làm việc theo giờ tại các trung tâm là những người gặp khó khăn nhất. Nhiều người trong số họ phải rời khỏi Việt Nam hoặc cố gắng dè sẻn chi tiêu tiền tiết kiệm lâu nhất có thể” – anh German Narvaez cho hay.

Anh Michael – người Pháp, giáo viên dạy tiếng Anh ở một trường tư tại Phan Thiết – cho biết mình không làm việc đã 3 tháng nay. 

“Cảm giác đầu tiên của tôi khi biết tin trường đóng cửa là bực bội và cả một chút tức giận, vì mình bất lực trước một sự cố ngoài tầm kiểm soát. Phía nhà trường chia sẻ rằng tình hình rất xấu, học sinh không đến lớp và họ cũng khó khăn nên không thể trả lương cho chúng tôi. Trong ba tháng qua, tôi sống toàn bộ bằng tiền tiết kiệm của mình” – anh nói.

Một chút may mắn đến với Michael khi chủ nhà của anh cho biết để chia sẻ khó khăn, họ sẽ không lấy tiền nhà tháng này (5 triệu đồng mỗi tháng). Tuy nhiên, anh dự định vẫn sẽ trả 50% tiền thuê nhà vì đề nghị của họ là quá hào hiệp. 

“Do hạn chế tiếp xúc nên tôi không còn đóng hội phí chơi thể thao 500.000 đồng/tháng. Hiện tôi tiết kiệm được 3 triệu đồng/tháng từ tiền nhà và tiền tập thể thao” – anh kể.

“Vấn đề là tôi không thể sống mãi với tiền tiết kiệm của mình vì nó có hạn. Tôi không muốn mình phải ra đường xin sự giúp đỡ của mọi người. Tôi yêu công việc của mình và muốn làm việc” – Michael nói tiếp.

Trong khi đó tại Cần Thơ, ông David James – giáo viên tiếng Anh đến từ Anh – cho biết việc đóng cửa các trường học đã khiến trung tâm ngoại ngữ nơi ông làm việc gặp khó khăn về tài chính. Trong hai tuần sau tết, lương giáo viên bị giảm 50%. Sau đó, khi có quyết định giãn cách xã hội nghiêm ngặt, do áp lực tài chính, trung tâm đã ngưng hợp đồng với toàn bộ 3 giáo viên nước ngoài, trong đó có ông.

Ông David James cho biết mình chính thức trong tình trạng không có việc làm từ ngày 17-3, nhưng trung tâm có hứa với các giáo viên rằng sẽ liên hệ khi mọi thứ trở lại bình thường. Ban đầu, mọi thứ tạm thời chưa trở thành gánh nặng tài chính. Tuy nhiên theo thời gian, vì yêu cầu đóng cửa trường kéo dài, mỗi ngày qua đi là một ngày khó khăn hơn.

Dù ông vẫn duy trì việc dạy tiếng Anh trực tuyến với một công ty Trung Quốc từ tháng 11-2019, nhưng khoản tiền này không đủ trang trải vì ông chỉ dạy 2-3 giờ mỗi tuần. Hiện tại, mức độ cạnh tranh càng nhiều hơn vì giáo viên các trung tâm ngoại ngữ rầm rộ chuyển sang dạy học online để kiếm sống trong khi học viên có hạn.

Cân nhắc về nước

James cho biết ông hi vọng mọi thứ sớm trở lại bình thường. Nếu không, có thể ông phải cân nhắc trở về Anh trước khi xài hết khoản tiền tiết kiệm hiện có. Ông thừa nhận ngoài khó khăn về tài chính, trong thời gian qua phải ở nhà, không được gặp học viên, không được ngồi quán quen mỗi tối uống chai bia và hàn huyên với bạn bè, đồng nghiệp cũng khiến cuộc sống của ông có một phần ngộp thở.

Trong khi đó, anh Michael cho biết mình đã tìm hiểu các hình thức dạy online nhưng không thành công, vì không quen với việc dạy trên máy tính và không cạnh tranh được do nhiều nơi dạy online thích giáo viên tiếng Anh người bản xứ như người Anh, Mỹ trong khi anh là người Pháp.

Michael nói mình cũng muốn về Pháp, nhưng tình hình dịch bệnh ở quê nhà quá kịch tính nên chọn tiếp tục ở lại Việt Nam. Anh mong dịch bệnh sớm chấm dứt để mình có thể làm việc bình thường.

Giáo viên nước ngoài lao đao mùa dịchGiáo viên nước ngoài lao đao mùa dịch

TTO – ‘Chưa bao giờ tôi khó khăn như thế’ – tâm sự của một giáo viên tiếng Anh bản xứ đang thất nghiệp tại Việt Nam giữa mùa dịch COVID-19 cũng là nỗi niềm chung của nhiều người nước ngoài làm nghề giảng dạy ở TP.HCM.


Thư Viện Tài Liệu

Trung Tâm Tứ Hải

Liên Hệ

25/25 Nguyễn Bỉnh Khiêm,
P. Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh

+84 91 657 90 68
ltrucanh@gmail.com