Bạn đang cầm trên tay cuốn Nghệ thuật Huế [L’Art à Hué], tác phẩm của Léopold Cadière (1869-1955) nhà Việt Nam học hàng đầu, chủ bút của tập san B.A.V.H [Bulletin des Amis du Vieux Hué, Tập san Những người bạn Cố đô Huế], một trong những tạp chí nghiên cứu Việt Nam hay nhất Đông Dương nửa đầu thế kỷ 20.

Nhắc đến Léopold Cadière, người đã dành hơn 63 năm cuộc đời mình để nghiên cứu về Việt Nam, ta không khỏi bị choáng ngợp với những công trình khảo cứu của ông trên đủ mọi phương diện như văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, gia tộc, ngôn ngữ, địa lý, khảo cổ học, dân tộc học, nghệ thuật… Trong đó tác phẩm nổi danh của ông về nghệ thuật dĩ nhiên là Nghệ thuật Huế.

Nguyên uỷ L’Art à Hué là chuyên khảo số 1 Janv-Mars, năm 1919 của B.A.V.H về nghệ thuật kinh đô Huế. Song, với hơn 200 phụ bản tranh, ảnh, đồ hoạ tái hiện chân thực nghệ thuật tạo tác của họa công, của nghệ nhân Huế đương thời, tác phẩm đã vượt quy mô một khảo cứu tạp chí mà trở thành một công trình độc lập có giá trị vượt thời gian. Thực vậy, ta có thể nói mà không sợ quá đà rằng đây chính là một tuyển tập khá toàn vẹn và giàu có các mô típ, hoạ tiết của nghệ thuật kinh đô Huế và các tỉnh phụ cận của văn minh Việt Nam xưa. Chỉ riêng với nguồn tư liệu dồi dào, độc sáng, được phân loại và và nhận xét rành rẽ, tôi đã có thể nhất trí với đánh giá của học giả Vương Hồng Sển rằng Nghệ thuật Huế là một trong những số chuyên đề hay nhất của B.A.V.H.

Lật giở những trang khảo cứu tỉ mỉ và cẩn trọng của linh mục Cadière đáng kính, những dòng chữ trăn trở về hồn xưa xứ An Nam của Edmond Gras nhân viên ngân khố Trung kỳ, xem những trang họa tiết hồi văn, hoa điểu, muông thú… được đồ lại, hoạ lại tài tình và sống động bởi những nghệ nhân địa phương thời bấy giờ như các họa công Nguyễn Văn Nhơn, Tôn Thất Sa, Lê Văn Tùng, Trần Văn Phềnh… tôi tưởng như được sống lại trong một thế giới khác, thưởng thức được cả tài khéo lẫn phong vị của một nền văn hoá khác.

Tôi tự hỏi phải chăng chính cái tư duy khoa học phương Tây, với tinh thần tìm hiểu cẩn trọng cùng sự ân cần trìu mến đối với đối tượng nghiên cứu, đứng trước một thể tài vừa sâu xa vừa đa dạng vừa phức tạp như nghệ thuật Huế, kết hợp với sự tài hoa và tinh tế qua từng nét vẽ của họa công Việt Nam, như ta có thể thấy qua từng trang của cuốn sách, đã làm nên một Nghệ thuật Huế công phu và trau chuốt đến dường ấy…

Xuất phát từ tình yêu dành cho đất nước và con người Việt Nam, Léopold Cadière đã khởi xướng công trình này. Với độc giả ngày nay, Nghệ thuật Huế có thể được xem là một cuốn art book, một từ điển bằng tranh về nghệ thuật Huế nói riêng và nghệ thuật Việt Nam xưa nói chung, nơi bạn có thể đắm mình trong những hoa văn trang trí tưởng đơn sơ nhưng rút cuộc lại thi vị và có nguồn gốc sâu xa, những họa tiết tưởng như mới gặp lần đầu nhưng hoá ra lại gần gặn không ngờ, biến thể của nó có thể chỉ ở đâu đó không hề xa nhà bạn.

Vì lẽ ấy Nghệ thuật Huế với tôi thật sự là biểu tượng cho sự hoà hợp tốt đẹp giữa tinh thần Pháp và nghệ thuật Việt; với bạn, có lẽ nó là một sự nhận chân, hay một chuyến du hành.

Tôi xin trân trọng giới thiệu Nghệ thuật Huế cùng bạn đọc.

Étienne ROLLAND-PIEGUE

Tham tán Văn hóa và Hợp tác Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam

Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam

 

HUẾ

của MURAIRE

Tất cả đều xám xịt, thinh lặng, từ núi xa đến cát mịn,

Chỉ vang điệu hò người lái đò trong sóng mênh mang,

Sông Hương, vẫn chảy dưới dãy thành cổ kính,

Phản chiếu bóng kỳ đài một thuở giàu sang.

Hướng về Phú Cam, đoàn rước lễ kéo dài bất tận

Chân bước theo nhịp kèn trống đều đặn mang mang;

Khép nép, vài người nhà quê sau một thân hào, sĩ kiệt,

Túm tụm ngóng nhìn, từ trên những bậc thang.

Giữa sắc pháp lam cổ kính, ánh xà cừ, chạm trổ đồ ngà,

Viên quan lỡ vận lần giở lại cảo thơm ngày qua,

Hát về những vinh quang lẫm liệt những thời xa;

Vẫn còn đây ngôi chùa cùng những khung cửa biểu tượng,

Nơi các thánh tích uy nghiêm vẫn nghi ngút khói hương,

Mà rất chậm rãi, đâu đó, đang tắt dần ánh quân vương.

MURAIRE

 

Với những bài phân tích tỉ mỉ cùng hơn 200 phụ bản sinh động, Nghệ thuật Huế là một nguồn tư liệu quý giá, lột tả các đặc tính của nền mỹ thuật bản địa vốn có nội dung phong phú cùng hệ thống biểu tượng, nhưng vẫn hạn chế về năng lực tả thực bởi các ràng buộc về quy ước trong văn hóa và nghệ thuật truyền thống, cũng như bởi tư duy khuôn mẫu của những nghệ nhân không một lần dám bước ra ngoài lệ thường.

Góc nhìn của Léopold Michel Cadière là sự kết hợp từ đôi mắt lý tính, quy củ của một nhà nghiên cứu phương Tây với tâm hồn của một người yêu và hiểu Việt Nam; do đó, những bài miêu tả, phân tích vừa mang tính trung lập, vừa xen lẫn phần nào tiếc nuối cho một nền nghệ thuật và cho những nghệ nhân vô danh lẽ ra đã có thể phát triển hơn nữa; thêm vào đó là sự thông hiểu bối cảnh xã hội bản xứ và nỗ lực tìm tòi những đặc điểm riêng của Huế. Cuốn sách không chỉ kể cho độc giả nghe câu chuyện của những biểu tượng mà còn đem lại những giá trị nghiên cứu, tham khảo mang tính khách quan và đầy nhân văn.

GIỚI THIỆU TÁC GIẢ:
Linh mục Léopold Michel Cadière (sinh ngày 14 tháng Hai năm 1869 ở Aix-en-Provence, Pháp và mất ngày 6 tháng Bảy năm 1955 ở Huế, Việt Nam) là nhà truyền giáo, nhà sử học, nhà ngôn ngữ học và nhà nhân học.

Sau khi thụ phong linh mục ở Paris năm 1892, ông đến Đông Dương và tham gia sứ vụ truyền giáo ở Huế và Quảng Bình.

Năm 1895, khi làm chánh xứ Tam Tòa ở Quảng Bình, ông bắt đầu có những khảo cứu nhân học. Từ năm 1901 đến 1904 ông làm việc ở xứ Bồ Khê và Dinh Cát, ở đây ông thu thập được nhiều tư liệu về dinh trấn của chúa Nguyễn và di tích vương quốc Chàm.

Ông được bổ nhiệm vị trí tuyên úy ở trường Pellerin từ 1912 đến 1918, đây là quãng thời gian ông phát triển các hoạt đông nghiên cứu ngôn ngữ và lịch sử tôn giáo. Cũng trong khoảng thời gian này ông thành lập Hội Những Người Bạn Cố đô Huế với hành trang quan trọng là tập san Bulletin des Amis du Vieux Hué (B.A.V.H).


Thư Viện Tài Liệu

Trung Tâm Tứ Hải

Liên Hệ

25/25 Nguyễn Bỉnh Khiêm,
P. Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh

+84 91 657 90 68
ltrucanh@gmail.com