Sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong ngày khai trường đầu năm học 2019-2020 – Ảnh: NHẬT MINH
Đó là nội dung đáng chú ý nhất được đưa ra tại dự thảo nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến.
Theo đó, học sinh, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi học sinh, sinh viên sư phạm theo học nhưng tối đa không vượt mức trần học phí theo quy định của Chính phủ.
Học sinh, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt được áp dụng thống nhất trong năm học và hàng năm được điều chỉnh theo tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng thực tế năm trước liền kề với năm học hiện tại do Nhà nước công bố.
Như vậy, nếu theo dự thảo nghị định này, học sinh, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Hiện tại, sinh viên, học sinh sư phạm mới chỉ được miễn học phí.
Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.
Kèm theo những ưu đãi, dự thảo cũng đưa ra quy định bắt buộc phải hoàn thành đối với những người được hưởng.
Sau khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục với thời gian tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo (kể từ ngày được tuyển dụng) sẽ không phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.
Sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên sư phạm không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác trong ngành giáo dục không đủ thời gian theo quy định sẽ phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Thời gian phải hoàn trả tối đa bằng thời gian được đào tạo tại cơ sở đào tạo giáo viên.
Học sinh, sinh viên sư phạm đang trong thời gian học nhưng bỏ học, chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học phải hoàn trả toàn bộ kinh phí đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Học sinh, sinh viên sư phạm bị đình chỉ học tập sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian bị đình chỉ và phải bồi hoàn kinh phí.
Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định này đồng thời được hưởng các chính sách trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội, học bổng khuyến khích học tập, tín dụng sinh viên theo quy định.
Học sinh, sinh viên sư phạm dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban (không quá một lần) hoặc dừng học vì lý do khác không do kỷ luật hoặc tự thôi học sẽ được cơ sở đào tạo giáo viên xem xét tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ.
Cách tính kinh phí bồi hoàn theo công thức sau: S = (F / T1) x (T1 – T2)
Trong đó, S là kinh phí hoàn trả, F là khoản học phí và chi phí sinh hoạt được nhà nước hỗ trợ, T1 là tổng thời gian làm việc trong ngành giáo dục theo quy định được tính bằng số tháng làm tròn, T2 là thời gian đã làm việc trong ngành giáo dục được tính bằng số tháng làm tròn.
Hằng năm, cơ sở đào tạo giáo viên thông báo danh sách, thông tin cá nhân và kết quả rèn luyện, học tập của học sinh, sinh viên sư phạm cho cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ để có trách nhiệm theo dõi và thu hồi kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt của đối tượng quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan quản lý trực thuộc được ủy quyền giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo học sinh, sinh viên sư phạm.
Nghị định này không áp dụng đối với học sinh, sinh viên sư phạm đào tạo theo chế độ cử tuyển, đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, đào tạo theo địa chỉ, học viên cao học, nghiên cứu sinh.
Link Báo Gốc: https://tuoitre.vn/hoc-su-pham-se-duoc-ho-tro-them-3-6-trieu-dong-moi-thang-20200118175457517.htm