TP HCMCác đại học Văn Lang, Công nghệ (Hutech), Công nghiệp giữ ổn định phương án tuyển sinh, chỉ tiêu đồng thời mở thêm nhiều ngành mới.

Đề án tuyển sinh dự kiến năm 2020 của Đại học Văn Lang công bố ngày 20/12 có 7.000 chỉ tiêu cho 50 ngành ở các nhóm Kinh doanh và quản lý, Kỹ thuật – công nghệ, Xã hội và nhân văn, Kiến trúc và xây dựng, Sức khoẻ, Nghệ thuật. Trong đó, ở nhóm Sức khoẻ dự kiến mở thêm ngành Y đa khoa, Y học cổ truyền bên cạnh các ngành đang có là Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học.

Trường sử dụng 5 phương thức tuyển sinh: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ THPT; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM; xét tuyển kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu và xét tuyển thẳng. Trong đó, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm 30% chỉ tiêu, xét học bạ 60% chỉ tiêu.

Năm 2020, theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, Đại học Văn Lang lấy mức điểm chuẩn 16-21. Ngành lấy điểm cao nhất là Răng Hàm Mặt 22 điểm, tiếp đó là Dược học 21. Nhiều ngành lấy 19 điểm như Ngôn ngữ Anh, Quan hệ công chúng, Quản trị khách sạn, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học. Với phương thức xét học bạ, trừ nhóm ngành Sức khoẻ, hầu hết đều lấy điểm chuẩn 18 hoặc 24 (môn chính nhân hệ số 2), trung bình mỗi môn 6 điểm.

Thí sinh TP HCM làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: Mạnh Tùng.

Đại học Công nghệ TP HCM (Hutech) cũng công bố đề án tuyển sinh dự kiến cho năm sau với 6.600 chỉ tiêu, 50 ngành theo 4 phương thức xét tuyển độc lập. Các phương thức gồm: xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM; xét học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn lớp 12; xét học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ I lớp 12).

Tổng chỉ tiêu năm 2021 trường này không đổi nhưng có thêm một số ngành mới như Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng. Năm nay, điểm chuẩn Đại học Công nghệ TP HCM theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT 18-22, trong đó cao nhất là Dược học.

Hàng loạt trường công bố phương án tuyển sinh 2021 - 1

Hàng loạt trường công bố phương án tuyển sinh 2021 - 2

Hàng loạt trường công bố phương án tuyển sinh 2021 - 3

Tương tự, Đại học Kinh tế – Tài chính TP HCM ổn định việc tuyển sinh với gần 3.500 chỉ tiêu cho 30 ngành đào tạo. Trường có 4 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm 65% tổng chỉ tiêu; xét tuyển kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM 5%; còn lại xét học bạ (học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn hoặc học bạ 5 học kỳ THPT, trừ học kỳ II lớp 12). 5 ngành mới dự kiến được mở gồm Bất động sản, Tài chính quốc tế, Báo chí, Tâm lý học, Thiết kế đồ hoạ.

Năm nay, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi THPT của trường là 19-24, tăng 2-3 điểm so với năm ngoái. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là Logistic và quản lý chuỗi cung ứng 24 điểm (tăng 7 điểm). Các ngành Kinh doanh quốc tế, Marketing có điểm chuẩn 23, các ngành còn lại dao động 19-22.

Hàng loạt trường công bố phương án tuyển sinh 2021 - 4

Hàng loạt trường công bố phương án tuyển sinh 2021 - 5

Tại Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa (Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh) cho biết, trường vẫn duy trì 4 phương thức tuyển sinh cho năm mới, gồm xét tuyển học bạ THPT, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực và xét tuyển thẳng theo quy chế.

Riêng xét tuyển học bạ sẽ có điều chỉnh về cách thức xét tuyển. Trường sử dụng điểm trung bình cộng của tổ hợp môn xét tuyển (từ 18 trở lên) ứng với từng ngành xét tuyển của 3 năm (lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12) hoặc tổng điểm lớp 12 theo tổ hợp môn. Đại học này dự kiến tuyển 26 ngành ở các nhóm Công nghệ thực phẩm, Ngôn ngữ, Kinh doanh và quản trị, Công nghệ kỹ thuật.

Điểm chuẩn năm 2020 của trường cao nhất là ngành Công nghệ thực phẩm 22,5; tăng 2,25 điểm so với năm ngoái. Các ngành có điểm cao tiếp theo là Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống lấy 22 điểm, tăng 2-3 điểm so với ngăm ngoái.

Là trường có tổng chỉ tiêu lớn top đầu ở TP HCM (7.000-8.000 mỗi năm), Đại học Công nghiệp TP HCM dự kiến xét tuyển năm 2021 với 4 phương thức.

Trường xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển chiếm 10% tổng chỉ tiêu, ngoài xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn ưu tiên cho học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải kỳ thi Olympic (môn đạt giải có trong tổ hợp xét tuyển), học sinh trường chuyên, lớp chuyên, có chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên …

30% chỉ tiêu cho phương thức sử dụng kết quả học tập THPT năm lớp 12 (các môn có trong tổ hợp xét tuyển của ngành xét tuyển tương ứng) với ngưỡng nhận hồ sơ 20. Ngoài ra, 50% chỉ tiêu trường sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn lại xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM.

Ngoài 58 ngành của mùa tuyển sinh cũ, đại học này dự kiến mở thêm 6 ngành: Robot và hệ thống điều khiển thông minh, Quản lý đô thị thông minh và bền vững, Kỹ thuật hóa phân tích, Kinh tế tài nguyên thiên nhiên, Quản trị nguồn nhân lực, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Trước đó, Đại học Công nghiệp công bố điểm chuẩn (xét điểm tốt nghiệp THPT) từ 17-24,5 ở cơ sở chính TP HCM. Marketing hệ đại trà có điểm cao nhất; các ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử – viễn thông, Công nghệ kỹ thuật nhiệt, Công nghệ hóa học lấy điểm thấp nhất.

Ở phân hiệu Quảng Ngãi, 6 ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật ôtô; Công nghệ thông tin; Kế toán; Quản trị kinh doanh lấy 15 điểm.

Tại hội thảo giáo dục đại học năm 2020, bà Vũ Thu Thuỷ, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết việc tuyển sinh đại học sẽ được giữ ổn định trong giai đoạn 2021-2025.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường tiếp tục thực hiện quyền tự chủ, sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, có thể tổ chức thi tuyển sinh theo nhóm trường theo hướng gọn nhẹ, thi trong một buổi nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh. Các trường nên giữ ổn định trong nhiều năm. Nếu có thay đổi lớn, trường cần thông báo trước 2-3 năm.

Mạnh Tùng


Thư Viện Tài Liệu

Trung Tâm Tứ Hải

Liên Hệ

25/25 Nguyễn Bỉnh Khiêm,
P. Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh

+84 91 657 90 68
ltrucanh@gmail.com