Kai Zheng, 23 tuổi, sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Fordham, thành phố New York, lên kế hoạch về Trung Quốc, nhưng thay đổi vào phút chót. 

Vì không chắc chắn thời gian có thể trở lại Mỹ, gia đình khuyên Zheng ở lại. “Tôi lo lắng nếu bay về Trung Quốc và lây nhiễm trên máy bay, nhưng ở lại Mỹ cũng không thoải mái gì. Là người nước ngoài mắc bệnh ở đây, liệu tôi có thể được chữa trị kịp thời?”, Zheng chia sẻ.

Là Chủ tịch Hội sinh viên và học viên Trung Quốc tại Đại học Washington tại Seattle, Washington, Nuo Xu nhận xét sự bùng phát Covid-19 tại các thành phố lớn ở Mỹ đã thúc đẩy sinh viên về nước, nhưng anh quyết định ở lại. Điều làm anh lo lắng là bị phân biệt đối xử khi đeo khẩu trang trong khuôn viên trường.

Fangyin Wei, Chủ tịch Hội sinh viên và học viên Trung Quốc tại Đại học Princeton, New Jersey, cũng không khuyến khích du học sinh trở về, hy vọng mọi người ở lại sẽ giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn.

Lo lắng về tình trạng phân biệt đối xử tăng cao khi Tổng thống Donald Trump gọi Covid-19 là “virus Trung Quốc”, Wei nói: “Tôi sợ sẽ gặp khó khăn nếu nộp đơn đăng ký thực tập trong tương lai”.

Hành khách Trung Quốc đợi làm thủ tục tại sân bay quốc tế JFK, New York, Mỹ ngày 13/3. Ảnh: Reuters.

Không giống các bạn, Jingjing Huang, sinh viên năm hai Đại học Mount Holyoke, bang Massachusetts, lại nhanh chóng mua vé máy bay về Trung Quốc ngay khi trường đại học thông báo đóng cửa để phòng dịch. Trường nằm ở nơi hẻo lánh, mất 2-3 giờ lái xe đến thành phố New York hoặc Boston. Nếu ở lại, Huang lo sẽ không có ai giúp đỡ khi gặp khó khăn.

Trong khi yêu cầu sinh viên Mỹ rời khỏi trường, Đại học Mount Holyoke cho phép sinh viên quốc tế ở lại ký túc xá. Huang nhận được email từ trường học trấn an rằng việc nữ sinh quay về quê hương sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ học tập, chỉ cần tham dự đầy đủ các lớp học trực tuyến.

Tuy nhiên, hành trình trở về Trung Quốc của Huang không dễ dàng. Ban đầu, Huang đặt vé máy bay của hãng hàng không China Southern Airline nhưng bị hủy. Cô chuyển qua mua vé của hãng Asiana Airlines và thành công.

Ngày 19/3, máy bay chở Huang hạ cánh tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc sau hành trình kéo dài 53 giờ. Điều đầu tiên Huang làm là viết bài chia sẻ kinh nghiệm xuất, nhập cảnh trong nhóm du học sinh trên mạng xã hội WeChat. Cô hy vọng trải nghiệm của bản thân có thể giúp ích cho những du học sinh khác đang nóng lòng trở về quê hương.

Trong thời gian cách ly tại khách sạn, Huang tìm đọc các bài viết về du học sinh nước ngoài quay trở về Trung Quốc. Chủ đề này hiện được tìm kiếm nhiều nhất trên Weibo và Twitter Trung Quốc. Hầu hết mọi người cho rằng quyết định trở về sẽ an toàn hơn đối với du học sinh, miễn là họ cung cấp thông tin di chuyển trung thực và tuân thủ quy định y tế nghiêm ngặt. Số khác không đồng tình, cho rằng du học sinh nên ở lại để “không mang virus về quê hương”.

Khi số lượng người Trung Quốc sống tại nước ngoài trở về quê hương gia tăng trong thời gian gần đây và mang theo nCoV, Chính phủ Trung Quốc khuyến cáo người dân nên cân nhắc kỹ các rủi ro trước khi trở về, trừ trường hợp khẩn cấp.

Đến ngày 21/3, Covid-19 đã lan ra 186 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 280.000 người nhiễm bệnh và hơn 11.000 người tử vong. Trung Quốc, nơi đầu tiên bùng phát dịch, ghi nhận 81.008 ca nhiễm, trong đó 3.255 người chết. Mỹ ghi nhận gần 20.000 ca nhiễm, 275 người chết.

Tú Anh (Theo SCMP)


Thư Viện Tài Liệu

Trung Tâm Tứ Hải

Liên Hệ

25/25 Nguyễn Bỉnh Khiêm,
P. Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh

+84 91 657 90 68
ltrucanh@gmail.com