Nếu chỉ dựa vào điểm bài kiểm tra và lời khen của thầy cô, bạn rất có thể không đánh giá đúng sức học của con, không biết con yếu môn nào để điều chỉnh.

Chị Phạm Xuân Hương, chuyên gia marketing, bà mẹ 3 con, tiếp tục chia sẻ bước cuối cùng của chiến lược học tập – đo lường, đánh giá kế hoạch.

“Những câu hỏi chất lượng tạo nên cuộc đời chất lượng” (Tony Robin). Thật vậy, tôi luôn tự hỏi chất lượng học hành của con ra sao, có xứng đáng với công sức và thời gian mà con đã bỏ ra hay không. Trong quá trình con học, tôi luôn xem xét và đo lường hiệu quả của việc học.

Cần đo lường những gì?

Phần lớn cha mẹ chỉ kiểm tra kết quả học tập của con mà bỏ qua nhiều góc nhìn quan trọng khác. Khi đo lường, tôi luôn có sự đánh giá về sự cải thiện, tiến bộ của con, đặc biệt là ở những môn con yếu, hay môn quan trọng.

Tốc độ học của con là yếu tố mà cha mẹ nên cân nhắc. Khi cho con bất kỳ môn gì, nếu thấy học quá chậm, quá lâu (so với bạn bè, hoặc so với các môn học khác) thì tôi sẽ tìm hiểu kỹ nguyên nhân. Có thể là con yếu về năng lực, có thể là do phương pháp, hoặc do thầy cô, hoặc do một lý do đặc biệt. Gần đây, khi con gái út có vẻ nản học môn tranh biện ở trường, tôi đã rất ngạc nhiên và tìm hiểu. Sau cùng, tôi biết được lý do là con bị xếp ngồi cùng một anh lớp lớn hơn. Anh này thường xuyên bắt nạt nên con bị ức chế và học kém hẳn môn đó.

Phương pháp học là một trong những thứ cần đánh giá. Tôi đã thấy hàng nghìn phụ huynh cho con học homeschooling. Nhưng phương pháp học lại có vấn đề, nên khi nhìn vào kết quả của các cháu tôi khá lo lắng vì các bố mẹ đó liệu có đủ kiến thức và kỹ năng sư phạm để tự dạy con, hoặc có đủ trình độ tiếng Anh để dạy con và giúp sửa sai hay không. Rất nhiều phụ huynh cho con học nhiều chương trình và tài liệu mà không hiểu đứa trẻ cần học cái gì trước, cái gì sau, trong độ tuổi nào, nên học thế nào cho đúng. Tôi nhìn và nghe phụ huynh truyền tai nhau về các chương trình, tài liệu học mà thấy quá ngợp và quá tải cho bé.

Sự phù hợp của giáo trình học cũng là điều phụ huynh cần xem xét. Nếu bé học đủ thứ mà cứ loay hoay trong một trình độ đó thì chúng ta cần xem lại giáo trình liệu có ổn không.

Tôi từng nghe qua các chuyên gia giáo dục phát biểu “Chất lượng giáo dục được đo lường dựa trên trình độ và kỹ năng của giáo viên”. Điều này tôi cho rằng tuyệt đối đúng. Tôi từng phải “trả giá” khi mời một giáo viên Nam Phi dạy môn nói cho con. Người thầy ấy không phải là giáo viên đúng nghĩa, chỉ là thích du lịch, lang thang qua nhiều nước và dạy học kiếm tiền để thỏa mãn chí phiêu bồng. Tôi đã sửa sai sau 2 tháng bằng cách chấm dứt vai trò thầy giáo của anh với con gái.

Ảnh: Shutterstock.

Đo lường bằng cách nào?

Câu hỏi tưởng đơn giản, nhưng đã có hàng trăm phụ huynh nhắn tin hỏi tôi về việc này. Họ cho rằng vì “em không giỏi, em không biết tiếng Anh, em không thể đo lường, đánh giá được”. Thật ra, việc này cũng không quá khó.

Đầu tiên, tôi luôn nắm bắt kết quả học tập của con ở trường, thông qua điểm số các bài kiểm tra và bài thi. Nếu điểm số có sự bất thường, tôi sẽ tìm nguyên nhân cặn kẽ. Điểm số là điều cơ bản nhất để giúp mình đo lường kết quả học của con.

Khi giao bài tập ở nhà cho con, dựa vào đáp án, ông xã tôi chấm bài và dựa vào kết quả mà đo lường mức độ hiểu bài của con. Nếu con sai 10% thì chúng tôi yêu cầu con tự ôn, tự sửa. Nếu con sai 30% thì chúng tôi sẽ ngồi lại với con để tìm hiểu lỗ hổng kiến thức.

Có rất nhiều bạn nhờ tôi tư vấn lộ trình học tiếng Anh cho con, nhưng khi tôi hỏi “Bé đang ở trình độ nào?” thì các bạn ấy đều trả lời chung chung là “Con học tốt, con giao tiếp tốt, con nghe nói tốt”. Nhưng cụ thể tốt như thế nào thì không ai nói được. Tôi hỏi tiếp “Vậy bé đã thi chứng chỉ Cambridge nào chưa?” thì có bạn trả lời “Con em chỉ cần học thật, em không cần bằng cấp, không cần chứng chỉ”. Vậy em đo lường kết quả học tập và tiến bộ của con như thế nào? “Dạ em nghe bé nói tốt. Em thấy bé đọc bài lưu loát lắm”.

Chúng ta cần một sự đánh giá chính xác, cụ thể và đáng tin cậy. Cho con tham gia các kỳ thi tiếng Anh nghiêm túc là việc nên làm. Tuy đó không phải là công cụ hoàn hảo, bảo đảm tính tuyệt đối chính xác, nhưng các kỳ thi của Cambridge và thi quốc tế uy tín (IELTS, Toefl, PTE) vẫn là sự đánh giá mà tôi cho là tốt nhất ở thời điểm hiện tại.

Một cách đánh giá con khá sát sao là trao đổi trực tiếp với thầy cô của con. Tùy vào môn học, tôi luôn chủ động hẹn gặp riêng giáo viên bộ môn. Giáo viên chủ nhiệm thì tôi ưu tiên gặp đầu tiên. Sau đó, nếu môn nào bé gặp khó khăn, tôi sẽ trực tiếp xin gặp để trao đổi. Hầu hết, sau những lần trao đổi trực tiếp, giáo viên đều hiểu, thương con hơn và tận tình dạy dỗ con hơn.

Có một điều các bạn cần lưu ý về độ chính xác của các đánh giá và điểm số. Đôi khi điểm số không nói lên tất cả. Có lần, con gái bị điểm kém môn Sử, sau khi hỏi chuyện, tôi mới biết cả lớp đều điểm kém. Như vậy thì có thể là do cách thức của giáo viên chưa phù hợp. Không phải các con không học tốt mà do các con chưa hiểu đề bài hoặc hiểu cách làm bài đúng theo yêu cầu của giáo viên.

Với các giáo viên nước ngoài, hoặc giáo viên dạy kèm, tôi nhận thấy là do tính nhân văn, nên thầy cô thường khen học sinh rất nhiều. Có khi, tôi cảm thấy lời khen dễ dãi quá sẽ khiến con mất hết động lực. Tôi thường nói với con “Thầy cô thương nên khen thôi con à, đừng chủ quan nha con”.

Ngược lại, các thầy cô Việt Nam thường nghiêm khắc và rất “tiết kiệm” lời khen. Mỗi khi tôi trò chuyện với thầy dạy viết văn học thuật, tôi thường “năn nỉ” thầy, lâu lâu khen bé một chút để động viên bé. Miệt mài viết một bài văn trong cả tuần, sửa đi sửa lại mà thầy không khen gì cả, thì con buồn lắm.

Một điều quan trọng khác chính là đánh giá của con. Tôi thường xuyên hỏi con môn học này thích không, thầy cô đó dạy có dễ hiểu không, có thú vị không, có nghiêm túc không. Nếu con không cảm thấy thoải mái, tôi sẽ hỏi cặn kẽ và sẵn sàng thay đổi giáo viên, môn học, chương trình học không phù hợp. Việc này sẽ giúp con luôn học trong vui vẻ, hào hứng, tránh tối đa việc để con học trong đau khổ, chịu đựng. Chúng sẽ khiến con sợ học, chán học.

Thời gian đo lường

Mỗi ngày, chúng tôi đều hỏi con về điểm số ở trường, hoặc kết quả bài tập. Mỗi tuần, tôi lấy bất kỳ sách cũ đã học, đã đọc ra để kiểm tra con. Tôi thường yêu cầu thầy dạy nói ghi âm lại toàn bộ buổi học để khi có thời gian sẽ nghe và cứ thế đánh giá sự tiến bộ của con qua hàng tuần, hàng tháng.

Hàng tháng chúng tôi đều có sự trao đổi với thầy cô để đánh giá sự tiến bộ của con. Mỗi 3 tháng, dựa vào tiêu chí đánh giá của Cambridge, tôi cùng thầy trao đổi để đưa ra nhận định chính xác về con: con tốt cái gì, điều gì cần cải thiện.

Cuối cùng, mỗi 6 tháng hoặc trễ nhất là một năm, tôi đều cho con đi thi các chứng chỉ Cambridge, hoặc Toefl để đo lường tốc độ tiến bộ của con.

Rà soát kế hoạch

Việc đánh giá, đo lường chính xác, kịp thời giúp chúng ta có cơ sở để rà soát kế hoạch. Có môn con học nhanh, tiến bộ vượt trội thì chúng tôi sẽ đặt mục tiêu cao hơn, có độ rướn để bé hào hứng chinh phục thử thách mới.

Tùy vào môn học của con chúng tôi có sự điều chỉnh kịp thời. Khi con học tranh biện (debate), tôi quan sát con và bạn cứ tranh cãi quyết liệt mà chưa có sự làm chủ bản thân, chưa nắm được kỹ thuật kiểm soát giọng nói, cảm xúc… nên quyết định cho con dừng học. Thay vào đó, tôi ưu tiên cho con học hùng biện (public speaking) trước, khi con nói tốt trước đám đông thì mới cho học tranh biện.

Khi trao đổi với thầy về lộ trình học tập của con, tùy theo năng lực con trong giai đoạn đó mà chúng tôi cân nhắc để thay đổi các mục tiêu học. Thời gian này con tập làm quen với dạng viết của IELTS, giai đoạn sau con lại cần học phân tích văn. Giai đoạn tiếp theo, con cần đọc thêm sách về lập luận logic để viết tốt hơn. Hiện giờ, khi con viết văn học thuật tương đối ổn, thầy đề nghị con quay lại viết văn sáng tạo song song.

Trước đây, khi lần đầu tiên biết đến khái niệm homeschooling, tôi đã cho con học. Nhưng khi thấy con không hào hứng, học trễ nải, con vừa học vừa ngáp, tôi đã kiểm tra chất lượng của chương trình đó và kịp thời thay đổi. Cũng may mắn là tôi chỉ mất đi số tiền học phí và kịp dừng lại để tiết kiệm thời gian vàng của con.

Chị Phạm Xuân Hương, thạc sĩ marketing quốc tế, đã và đang đảm nhiệm vị trí Strategic Marketing Director tại nhiều công ty dược trong và ngoài nước. Chị có 3 con, con trai đầu 26 tuổi, du học ở Australia, đã định cư và làm manager tại Melbourne. Con trai thứ 24 tuổi, tốt nghiệp trường Vatel của Pháp, đang là manager cho một doanh nghiệp F&B của Pháp tại Việt Nam. Con gái út 11 tuổi, đạt học bổng 100%, học vượt lớp hệ phổ thông trực tuyến của Nisai Global School (thuộc tổ chức giáo dục Cambridge – Anh quốc).

Phạm Xuân Hương


Thư Viện Tài Liệu

Trung Tâm Tứ Hải

Liên Hệ

25/25 Nguyễn Bỉnh Khiêm,
P. Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh

+84 91 657 90 68
ltrucanh@gmail.com