Sinh viên tham dự ngày hội giới thiệu việc làm tại Trường cao đẳng Cao Thắng – Ảnh: MINH GIẢNG

TS Trần Thanh Hải – hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông – phân tích vai trò của tiếng Anh ngày càng được chú trọng, bất kể học đại học hay theo khối giáo dục nghề nghiệp.

“Trong đợt thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay tại TP.HCM, môn tiếng Anh đã được đánh hệ số tương đương với hai môn toán và ngữ văn. Tuy nhiên trong dự thảo lại không có môn học quan trọng này. Liệu như thế có khoa học và phù hợp với xu thế hay không?”, ông Hải đặt vấn đề.

Tương tự, TS Trần Kim Tuyền – hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM – cũng cho rằng nên đưa môn tiếng Anh vào khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Theo ông Tuyền, tiếng Anh giúp các sinh viên và lao động xuất thân từ khối giáo dục nghề nghiệp dễ dàng nâng cao tay nghề, tiếp cận được nhiều nguồn tài liệu, các khóa học nước ngoài…

“Các bạn cũng có thể tìm được không ít cơ hội tại các công ty có yếu tố nước ngoài. Chưa kể nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng tuyển lao động có tay nghề, kỹ năng và khả năng ngoại ngữ ở Việt Nam ra nước ngoài làm việc”, ông Tuyền nói.

Ngược lại, ThS Nguyễn Khánh Cường – hiệu trưởng Trường CĐ Lilama2 (Đồng Nai) – nêu ý kiến trong chương trình học nghề đã có nội dung ngoại ngữ chuyên ngành, vì vậy không nhất thiết có thêm môn tiếng Anh trong khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

Không thể thi tốt nghiệp THPT

Dạy văn hóa THPT trong trường nghề: Sao không có môn tiếng Anh? - Ảnh 2.

Các môn trong khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong dự thảo thông tư mới đây của Bộ GD-ĐT

Ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng dự thảo thông tư của Bộ GD-ĐT dù mở rộng đối tượng áp dụng nhưng vẫn chỉ cho phép dạy 4 môn, bao gồm 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn) và 2 môn tự chọn trong các môn hóa học, vật lý, sinh học, lịch sử, địa lý.

Ông Hải nhấn mạnh nếu học chương trình 4 môn theo khối lượng kiến thức văn hóa THPT này các em vẫn không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu muốn dự thi, các em phải học thêm chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT gồm cả 7 môn học.

Ông Hải cho rằng Bộ GD-ĐT nên cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phép giảng dạy chương trình 7 môn, để tạo thuận lợi hơn cho học sinh. Đây cũng là mong muốn của nhiều trường nghề bởi hiện nay, để giúp học sinh có thể thi tốt nghiệp THPT, trường buộc phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên.

Trong khi đó, ThS Nguyễn Khánh Cường cho biết dự thảo thông tư của Bộ GD-ĐT dường như vẫn chưa có sự thay đổi hay một sự đột biến. Trước nay, các trường nghề vẫn đang giảng dạy 4 môn, dự thảo dường nhưng chỉ nhắc lại nhiều ý cũ.

Theo ông Cường, nét mới mà các trường mong muốn là được cho phép dạy chương trình để học sinh có thể thi tốt nghiệp THPT. Hoặc Bộ GD-ĐT cần có một cơ chế để học sinh học khối lượng kiến thức văn hóa THPT vẫn được cấp bằng tốt nghiệp THPT…


Thư Viện Tài Liệu

Trung Tâm Tứ Hải

Liên Hệ

25/25 Nguyễn Bỉnh Khiêm,
P. Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh

+84 91 657 90 68
ltrucanh@gmail.com