Sinh viên năm 1 Thúy Huyền làm thêm trong cửa hàng tiện lợi ở Q.4, TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Chưa có quy định cụ thể về việc sinh viên các trường ĐH, CĐ được làm thêm tối đa bao nhiêu giờ, dù đây là một hoạt động quan trọng trong đời sống của sinh viên hiện nay. Ông Bùi Văn Linh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV, Bộ GD-ĐT) đề nghị các ngành liên quan cùng phối hợp để thực hiện việc này.

* Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình – chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia – vừa có ý kiến chỉ đạo việc nghiên cứu bổ sung các quy định pháp luật đối với quản lý việc làm thêm của sinh viên khi tham gia làm tài xế công nghệ nói riêng và các công việc khác nói chung, để bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

– Đây là một chỉ đạo rất kịp thời, cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Để ngăn ngừa những rủi ro, hệ lụy đối với hoạt động sinh viên làm thêm, nhất là không để ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng học tập, rèn luyện của sinh viên, góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực, đúng là một việc cần được quan tâm hơn. 

Muốn vậy, trước hết cần bổ sung cơ sở pháp lý, có quy định cụ thể trong việc quản lý giờ làm thêm của sinh viên, tiếp cận trên nhiều chủ thể liên quan như: sinh viên có nhu cầu làm thêm, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển sinh viên làm thêm, điều kiện an toàn lao động, cơ quan kiểm soát việc chi trả tiền lương của doanh nghiệp… cần minh bạch.

Hiện tại sinh viên tham gia làm thêm ở nhiều nghề, khu vực khác nhau, các cơ sở kinh tế nhỏ, tự phát…, và phần lớn là sinh viên nhận thù lao trực tiếp bằng tiền mặt nên việc kiểm soát này rất khó khăn. 

Vấn đề này cũng từng được đặt ra và chúng tôi cũng muốn các ngành liên quan (Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính…) phối hợp cùng với Bộ GD-ĐT nghiên cứu quy định cụ thể những thủ tục, quy trình, cách thức để quản lý tốt hơn hoạt động làm thêm của sinh viên, việc tuyển dụng vị trí làm thêm của doanh nghiệp; từ đó có cơ sở để bảo vệ quyền lợi chính đáng của sinh viên làm thêm. 

Trong đó, nên kiểm soát việc ký kết hợp đồng công việc, thanh toán tiền làm thêm qua tài khoản ngân hàng, quy định việc bồi dưỡng kỹ năng…

* Trong khi chờ bổ sung quy định pháp lý, Bộ GD-ĐT có những chỉ đạo gì đối với các trường nhằm kiểm soát, hỗ trợ sinh viên trong việc làm thêm một cách hợp lý, tránh rủi ro và đảm bảo các yêu cầu đào tạo?

– Từ năm 2008, Bộ GD-ĐT đã có quyết định số 68/2008/QĐ-BGDĐT ban hành quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục ĐH và trung cấp chuyên nghiệp; có quy định các trường ĐH thành lập (hoặc kiện toàn) đơn vị thực hiện công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm; hỗ trợ sinh viên kết nối các doanh nghiệp về việc làm trong quá trình học và sau khi sinh viên tốt nghiệp. 

Hiện nay nhiều trường ĐH đã có trung tâm quan hệ doanh nghiệp – hỗ trợ sinh viên làm việc rất hiệu quả; việc kết nối với các doanh nghiệp nhận sinh viên làm thêm theo đúng chuyên ngành sinh viên đang học, lập các trang web giới thiệu việc làm thêm cho sinh viên.

Tổ chức Hội sinh viên, Đoàn thanh niên, các câu lạc bộ sinh viên trong nhà trường cũng nên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ, tư vấn, khuyến cáo, cung cấp thông tin giúp sinh viên có thêm thông tin, kinh nghiệm, kỹ năng, tự sàng lọc, lựa chọn, đưa ra quyết định hợp lý của bản thân khi tham gia làm thêm; đảm bảo an toàn cho bản thân, có thu nhập thêm nhưng vẫn đáp ứng mục tiêu chính là học tập, rèn luyện tốt hơn…

Có nên quy định cứng giờ làm thêm của sinh viên? - Ảnh 2.

Ông Bùi Văn Linh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV, Bộ GD-ĐT)

* Theo ông, có nên quy định cứng thời gian tối đa sinh viên được làm thêm? Vì không chỉ có rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng, việc sa đà vào làm thêm sẽ khiến sinh viên khó đảm bảo được quy định học tập?

– Hiện nay chúng ta chưa có quy định cứng giờ làm thêm trong tuần của sinh viên. Thực tế rất nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, các em có nhu cầu làm thêm là hoàn toàn chính đáng. 

Việc làm thêm của sinh viên từ trước tới nay và hiện nay là hoạt động khá phổ biến trong đời sống sinh viên; nhất là các cơ sở đào tạo đã chuyển sang đào tạo theo hình thức tín chỉ nên thời gian học toàn khóa được phép kéo dài hơn; các môn học quy định theo môđun/tín chỉ, nên kế hoạch học tập của sinh viên hiện nay linh hoạt, phong phú hơn đào tạo niên chế trước đây; do đó việc sinh viên bố trí thời gian làm thêm trở nên thuận lợi hơn và là nhu cầu ngày càng lớn của sinh viên, xét trên cả phương diện nhu cầu sinh viên, doanh nghiệp và xã hội…

Trong quá trình học tập, sinh viên sẽ phải chủ động và đáp ứng, làm tốt nhất các quy định trong quy chế đào tạo, quy chế công tác sinh viên của nhà trường; nếu các em vì làm thêm mà không đảm bảo kết quả học tập sẽ bị cảnh báo học vụ. 

Việc cảnh báo này giúp sinh viên nhìn nhận lại để tập trung học tập tốt hơn (điều chỉnh kế hoạch học tập cá nhân và kể cả giảm bớt việc làm thêm…), nếu không sẽ lên mức bị đình chỉ học tập 1-2 học kỳ, bị thôi học vĩnh viễn… Như vậy quy chế đào tạo hiện nay rất nhân văn, có nhắc nhở kịp thời sinh viên biết và cải thiện kết quả học tập.

TS Phan Hồng Hải (phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM):

Chạy xe ôm công nghệ đông quá

Việc sinh viên phải biết tự trang bị kiến thức thực tế, kỹ năng cần thiết để phục vụ công việc sau khi ra trường là vô cùng quan trọng. Thực tế cho thấy những sinh viên có đi làm thêm trong quá trình học đều khá năng động, phát triển được các kỹ năng sống, có thêm kinh nghiệm ứng xử và rèn luyện thái độ trong làm việc. Các doanh nghiệp thường đánh giá cao những sinh viên này. Do vậy, việc sinh viên làm thêm trong quá trình học ĐH là điều rất cần thiết và cần được khuyến khích.

Tuy nhiên, vài năm gần đây số sinh viên chọn việc làm thêm là chạy xe ôm công nghệ khá phổ biến. Công việc này được cho là chủ động, linh hoạt, không cần phải đi xin việc, chỉ cần có xe máy và điện thoại thông minh là có thể hành nghề rất thuận lợi, có thu nhập đáng kể… Chính điều này đã lôi kéo sinh viên tham gia vào đội quân xe ôm công nghệ ngày càng đông, thậm chí không ít sinh viên bỏ bê việc học để chạy xe kiếm tiền.

Đành rằng với việc làm thêm của sinh viên có thể làm nhiều công việc khác nhau, không nhất thiết phải theo đúng ngành học nhưng không phải tất cả các công việc đều phù hợp. Những công việc nặng nhọc, việc quá đơn giản không có điều kiện để rèn nhiều kỹ năng, hoặc tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng tới việc học thì sinh viên không nên làm.

ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương (giảng viên bộ môn môi trường Trường ĐH Công nghệ TP.HCM):

Nên dừng làm thêm nếu học lực không tốt

Theo tôi, sinh viên không nên xem việc làm thêm, kiếm tiền là ưu tiên số 1, vì việc học vẫn là quan trọng nhất. Nếu muốn làm thêm thì nên chọn làm những công việc gần ngành học hoặc là thế mạnh của bản thân.

Riêng đối với một số ngành học khá nặng về thời gian và áp lực học tập (như y khoa), việc đi làm thêm là hết sức cân nhắc, sinh viên cần chú tâm cho việc học và thư giãn nghỉ ngơi hợp lý.

Ở trường chúng tôi, trung tâm hợp tác doanh nghiệp, câu lạc bộ doanh nhân, câu lạc bộ cựu sinh viên và các khoa, bộ môn quản lý tổ chức việc làm thêm cho sinh viên khá tốt. Nhà trường thường xuyên tổ chức ngày hội tuyển dụng hằng tháng, chủ động mang việc đến cho sinh viên, từ đó quản lý việc làm – việc học của sinh viên hợp lý nhất.

Tôi nghĩ việc làm thêm của sinh viên nên được các trường quan tâm nhiều hơn và đưa vào quy chế, sinh viên đi làm thêm mà có lực học không tốt thì nên dừng việc đi làm để ra trường đúng tiến độ.

Huỳnh Thị Ngọc Nữ (SV năm cuối Trường ĐH Kinh tế TP.HCM):

Không làm thêm, rất khó thành công khi ra trường

Nếu chỉ học lý thuyết, chúng tôi sẽ khó hình dung áp dụng các kiến thức được học vào công việc thực tế. Hiện nay, nếu sinh viên nào trong suốt thời gian học ĐH mà chưa từng trải qua việc làm thêm chắc chắn rất khó thành công sau khi ra trường.

Một trường có hoạt động kết nối doanh nghiệp sôi nổi và thực chất, hoặc có các hoạt động cựu sinh viên phát triển, các tổ chức đó cũng hỗ trợ một nguồn việc làm thêm rất lớn và phù hợp chuyên môn của sinh viên. Tuy nhiên, tôi được biết hiện vẫn chưa có quy định pháp luật đối với quản lý việc làm thêm của sinh viên nên sinh viên phải “tự thân vận động”, tự tìm kiếm việc làm cho mình với nhiều rủi ro và đã có không ít sinh viên bị lừa, dính vào kinh doanh đa cấp…

Kiều Trang (SV năm nhất Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM):

Đi làm thêm để học được ĐH

Ngay sau ngày nhập học, tôi đã đi tìm việc làm thêm để kiếm tiền tự trang trải chi phí sinh hoạt và học tập. Đối với tôi, vừa học vừa phải đi làm thêm nên khá vất vả nhưng buộc phải làm mới có thể theo học được suốt 4 năm ĐH. Hiện nay, do ban ngày lịch học kín nên tôi đổi qua đi làm vào buổi tối từ 17h-21h, phụ bán quần áo ở cửa hàng, tôi được trả lương 15.000 đồng/giờ, khoản tiền này tuy không nhiều nhưng nó quan trọng với tôi.

Trong quá trình làm thêm tôi nhận thấy mỗi nơi làm, dù liên quan hay không đến chuyên ngành tôi đang theo học nhưng đã giúp tôi học được nhiều thứ, nhiều kỹ năng cần thiết trong đời sống và công việc sau này. Tôi tin những mối quan hệ, kỹ năng, kinh nghiệm trau dồi được trong quá trình làm việc sẽ giúp tôi thuận lợi hơn để tìm được việc làm sau khi ra trường.

Mặc dù hiện nay nhà trường hoạt động hỗ trợ sinh viên nhưng tôi cũng như phần lớn sinh viên khác đều mong mỏi nhà trường cần tạo thêm điều kiện, hỗ trợ sinh viên trong giới thiệu việc làm thêm phù hợp, an toàn.


Thư Viện Tài Liệu

Trung Tâm Tứ Hải

Liên Hệ

25/25 Nguyễn Bỉnh Khiêm,
P. Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh

+84 91 657 90 68
ltrucanh@gmail.com