Gò từng nét chữ cho trò nhỏ xóm Đèo, cô Kem hi vọng con chữ sẽ giúp thế hệ tiếp theo thẳng thớm, hoài bão – Ảnh: TRẦN MAI

Ngoài dạy chữ, cô Kem lấy chính câu chuyện của mình làm bài giảng hun đúc tinh thần vượt khó vươn lên của bọn trẻ H’rê ở xóm Đèo (xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi).

Mình lớn lên ở đây, bập bẹ những con chữ đầu đời ở lớp học này. Mình là người đồng bào H’rê nên hiểu các cháu nhất. Năm nào cũng có học sinh có hoàn cảnh khó khăn, muốn nuôi chữ phải nuôi cả người nữa.

Cô Đinh Thị Kem

Lớp học chia đôi

“A… b… a… ba, e… m… e… me nặng mẹ”. Tiếng ê a tập đọc của học trò lớp 1 đồng thanh sau lời cô Kem. Vừa xong, giọng cô Kem lại chuyển sang: “Sắp xếp lại các tranh theo đúng thứ tự câu chuyện Đất quý đất yêu. Con nào xung phong kể lại câu chuyện Đất quý đất yêu dựa trên các bức tranh đã sắp xếp?”. 

Mới nghe, chúng tôi cứ ngỡ có sự nhầm lẫn gì. Nhưng khi bước vào lớp học mới hay hóa ra một lớp học 12 cháu mà có cả học sinh lớp 1 và lớp 3 cùng học chung.

Tấm bảng được cô Kem chia đôi. Bên này dành cho lớp 1, bên kia dành cho lớp 3. Phải thật sự kiên nhẫn mới có thể dạy học trong hoàn cảnh trớ trêu như vậy nhưng cô Kem bảo “đã quen rồi”. 

10 năm dạy học ở xóm Đèo, chừng ấy thời gian lớp học có ít nhất hai nhóm, có năm đến ba nhóm cùng học. “Mình phải cố gắng chứ, chỉ cần các cháu ngoan, chăm học thì cực tí cũng chẳng sao” – cô Kem chia sẻ.

Xóm Đèo nằm lẩn khuất dưới tán rừng keo, dù chỉ cách TP Quảng Ngãi tầm 20km. Từng có thời gian muốn học trò ra lớp, cô Kem phải đi vận động. 

“Mình tới lui nhà vận động phụ huynh quan tâm, dặn dò con ra lớp đúng giờ. Đến mức họ bực mình, bảo sao cứ tới lui nhà họ hoài, con họ không thích học mà đi ép. Lúc đó mình buồn lắm, may mà ở làng có được bốn người quyết tâm học. 

Giờ ba người làm giáo viên, một làm cho ngành điện, cuộc sống ổn định hơn, mình dựa vào đó mà giải thích nên dần cũng êm xuôi hơn” – cô Kem trải lòng.

Chuyện đó cũng xảy ra lâu, bây giờ nhận thức của phụ huynh tốt hơn, cô Kem không còn nhọc công đi khắp làng nữa. Chẳng biết ngày xưa cô Kem vất vả thế nào, bởi khi chúng tôi đến nhìn quanh xóm Đèo vắng lặng chỉ có vài người già, cha mẹ bọn trẻ đi rẫy kiếm cái ăn. 

“Mỗi ngày dạy xong mình phải dẫn bọn trẻ về giao cho ông bà, nhà nào không có người lớn mình dẫn về nhà mình ở, ăn trưa, ăn tối. Đến khi nào cha mẹ các cháu về thì mình giao lại” – cô Kem cười hiền.

Nuôi chữ, nuôi người

Sau 3 năm học ở điểm lẻ xóm Đèo, đến lớp 4 các cháu chuyển xuống điểm chính học. Nếu nắm kiến thức không vững, học chung với lớp học phần lớn là người Kinh sẽ không theo kịp, các em sẽ nản và bỏ học. 

Bởi vậy, cô Kem bảo rằng chẳng biết làng mình có từ bao giờ, nhưng trước giờ chỉ có bốn người có thành tích cao nhất là học cao đẳng, trong đó có cô Kem. 

Nhiều lần ban giám hiệu Trường tiểu học Hành Dũng thấy cô vất vả, tính chuyển cô về điểm trường chính dạy nhưng cô Kem đều từ chối. Lý do chính vẫn chỉ đơn giản là vì bọn trẻ.

Năm học này, cháu Đinh Thị Minh Thư (lớp 1) và Phạm Anh Tuấn (lớp 3) có hoàn cảnh éo le. Ba mẹ ly dị, hai đứa trẻ sống với ông bà. Bản tính những đứa trẻ H’rê thường thu mình lại khi gặp chuyện. 

Mỗi ngày cô Kem phải theo dõi tâm lý của Thư và Tuấn. Hôm nào hai cháu ngồi im lặng hoặc không đến lớp, cô Kem lại hỏi thăm. Thường là các cháu chưa ăn sáng, hoặc từ tối qua chẳng có thứ gì vào bụng. Thế là cô Kem phải giúp các cháu no cái bụng trước khi bỏ chữ vào đầu.

Từ quần áo, sách vở đều một tay cô Kem chăm bẵm. Mỗi lần xin được quà gì, hay có nhà hảo tâm ghé thăm, cô Kem lại dành cho Thư và Tuấn đầu tiên. Thư cũng cảm nhận được cô Kem yêu thương mình. 

“Cô Kem thương con lắm, cô hay cho con quà. Sau này lớn, con cũng muốn làm cô giáo” – Thư nói. Cô Kem chắc chắn là thần tượng lớn nhất của Thư và ước mơ thơ ngây của cô bé chính là nghề của cô giáo Kem. Đó cũng là động lực để cô Kem gắn bó mãi với điểm trường heo hút này.

Những đóng góp được ghi nhận

Cô Đinh Thị Kem là 1 trong 63 giáo viên cả nước được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT, Ủy ban Dân tộc tổ chức.

Chương trình nhằm tri ân những đóng góp của giáo viên dạy học cho con em dân tộc thiểu số. “Vinh dự khi mình đại diện giáo viên Quảng Ngãi tham gia một chương trình lớn. Cũng nhờ chuyến đi ấy mà mình có thêm niềm tin. Nhiều thầy cô còn dạy ở những nơi khó khăn hơn mình cả trăm lần, câu chuyện của đồng nghiệp khiến mình nể phục và thấy mình thật nhỏ bé” – cô Kem chia sẻ.

Cô giáo ở lớp học Cô giáo ở lớp học ‘Mùa xuân’

TTO – Điểm trường ‘Mùa xuân’ cách trung tâm xã 27km và cách trung tâm huyện 67km, cô Tông phải vượt quãng đường bùn lầy, dốc đá lởm chởm và có nhiều đoạn chiều ngang con đường chỉ khoảng nửa mét, 1 bên là núi, 1 bên là vực…


Thư Viện Tài Liệu

Trung Tâm Tứ Hải

Liên Hệ

25/25 Nguyễn Bỉnh Khiêm,
P. Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh

+84 91 657 90 68
Nhapdiem.tuhai@gmail.com