Không thể không cho trẻ tiếp cận với các thiết bị số, tuy nhiên phải trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là “tư duy số” để không trở thành nạn nhân của công nghệ số – Ảnh: AP

Vậy “tư duy số” là gì và làm sao để trang bị cho con “tư duy số” để con vững vàng trong thời đại 4.0 và tồn tại, phát triển được trong thời đại 5.0, 6.0 sau này?

Phụ huynh nên để ý đến sự cân bằng giữa đời sống ảo và đời sống thực của con. Như vậy, các em sẽ tránh được việc lạm dụng và sa đà vào không gian trên các thiết bị số mà bỏ quên những hoạt động thực tế.

Ông Tiêu Minh Sơn

TS Khuất Thu Hồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội):

“Bản lĩnh” trước thông tin

Ở Việt Nam, chúng ta dường như đã “đi tắt” để đến với những công nghệ kỹ thuật số. Phần lớn chúng ta đang “choáng ngợp” trước những thành quả mà các cuộc cách mạng số mang lại nhưng chưa chuẩn bị kỹ lưỡng để thấu hiểu những mặt tích cực và hạn chế của chúng.

Điều này phần nào thể hiện trong các gia đình. Cha mẹ thường phó mặc cho trẻ muốn làm gì thì làm với chiếc điện thoại, iPad chỉ để chúng ăn mau hay đơn giản không quấy phá mình. 

Các thiết bị số hóa ra lại là một công cụ để “dỗ” trẻ con. Hay cũng có nhiều gia đình rất tự hào khi con họ còn nhỏ nhưng đã có thể “vuốt” màn hình rất giỏi. Họ xem đây như một biểu hiện của sự nhanh nhạy, thông minh.

Tuy nhiên, cha mẹ lại chưa chuẩn bị tâm thế cho con khi bước vào thời đại số. Trẻ cần được chỉ dạy với từng thông tin trên môi trường mạng mà chúng dung nạp và biết cách hưởng lợi từ những dữ liệu đó. 

Nói cách khác, đấy là một sự “bản lĩnh” trên Internet. Cha mẹ cần điều hướng cho con những phương pháp tiếp cận thông tin theo từng giai đoạn trưởng thành của con. Con cần biết cách cảnh giác, phân biệt trắng – đen, cách từ chối những tin xấu độc… 

Qua đó, trẻ khi lớn lên sẽ có thể tự tin và không hoảng sợ trước bất kỳ diễn biến nào trên không gian số.

Đây không phải là phẩm chất tự nhiên, thay vào đó cần sự đồng hành từ những ngày con nhỏ tuổi. 

Đặc biệt, phụ huynh nên để con trẻ biết cách tự giác khi dùng các thiết bị số. Sự tự giác này tuân thủ theo quỹ thời gian và những nội dung mà cha mẹ – con cái đã thỏa thuận với nhau. Bất kỳ cha mẹ nào cũng có thể dạy cho con điều này.

Ông Tiêu Minh Sơn (chuyên gia tại KDC Education):

Không thể tách rời xu thế

Dưới góc nhìn của người từng đứng lớp dạy về chuyện sử dụng Internet, tôi cho rằng cả phụ huynh và học sinh đều cần xác định thái độ của mình trong kỷ nguyên số. 

Điển hình, dạy online là một xu thế, không thể nào phụ huynh áp dụng hệ quy chiếu của mình rồi cho rằng học online không hiệu quả và cuối cùng bài trừ cách học này với con.

Đặc biệt trong hoàn cảnh hiện tại, dù muốn hay không, học trực tuyến vẫn là giải pháp khả thi nhất. Thay vì cứ than vãn về chất lượng, phụ huynh rõ ràng có thể đồng hành cùng con để việc học online hiệu quả, đồng thời khai thác được nhiều tài nguyên học thuật trên Internet. 

Ngoài ra, trẻ cũng cần được giáo dục rằng học trực tuyến không phải là để đối phó, mà đó sẽ là một hình thức học tập mới của thời đại này. Nếu không có tư duy đó, cả cha mẹ và con cái có thể sẽ lùi lại phía sau.

Bà Lê Trương Quỳnh Tương (đại diện tại Việt Nam của phần mềm học trực tuyến ClassIn):

Hình thành tư duy phản biện

Cha mẹ ngay từ đầu khi cho con dùng thiết bị số nên hướng con đến những sản phẩm mang tính giáo dục, thay vì bỏ thời gian vào xem những clip vô bổ. 

Có gia đình hàng giờ liền cho con xem… quảng cáo, thay vì cho con xem những thứ liên quan đến học hành để mở mang kiến thức. Nếu được định hướng từ sớm, trẻ sẽ có tư duy tìm kiếm những sự hữu ích trên Internet.

Đến khi trẻ lớn dần, hãy cho trẻ biết về thêm những mặt hại của Internet. Trẻ cần được nghiêm khắc về thời lượng, nội dung cũng như những gì nên và không nên làm trên không gian số. 

Đặc biệt, hãy giúp con hình thành tư duy phản biện khi dùng Internet, dạy con cách đặt câu hỏi ngược lại trước bất kỳ thông tin nào khả nghi.

Ở Việt Nam, tư duy phản biện ở các bạn trẻ có vẻ chưa cao, dẫn đến việc không ít bạn thường xuyên chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng mà không hề hay biết. 

Các bạn cũng không có các màng lọc bảo vệ bản thân. Vì vậy, muốn xây dựng được “màng lọc” đó, ngay từ nhỏ các bạn cần được sự định hướng của cha mẹ ngay khi sử dụng những chiếc smartphone, laptop đầu tiên.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài (viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam):

Xây dựng giá trị con người thời đại số

Cuộc cách mạng 4.0 thay đổi hoàn toàn cuộc sống, xã hội, tác động mạnh mẽ sâu rộng không chừa một ai. 

Bất kỳ lĩnh vực nào cũng đã và đang chứng kiến những biến động sâu sắc nhờ vào công nghệ. Do đó, trước khi tiếp cận với thiết bị số, con cần có tư duy dù cho con phát triển theo bất kỳ hướng nào thì chúng cũng phải gắn bó với công nghệ và thật sự nghiêm túc với nó.

Cũng phải thừa nhận rằng ngày nay đôi khi cha mẹ không còn theo kịp con cái về công nghệ. Tuy nhiên, như thế không đồng nghĩa phụ huynh không thể trang bị cho con những “di sản” khi vào thời đại mới. 

Theo tôi, cốt lõi ở đây là giá trị của con người trên không gian số. Trên thế giới mạng, trẻ sẽ có tính cách thế nào, phẩm chất ra sao, trách nhiệm và thành công tới đâu? Tất cả đều có mối quan hệ mật thiết với con người ngoài đời của trẻ.

Internet do có tính ẩn danh, nhiều bạn trẻ trở nên “tự do” hơn, dẫn đến đôi khi bị biến chất. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý trau dồi nhân cách của con cái, đặc biệt trên các mạng xã hội. Khi giá trị của con người được giữ vững từ đời “thực” đến “ảo”, trẻ sẽ có cơ sở cho bất kỳ sự phát triển nào sau này.

“Danh tính số” và “dấu chân số”

Từ tháng 7-2020, Facebook khởi động chương trình “Tư duy thời đại số” (We Think Digital) tại Việt Nam, bao gồm các hoạt động đào tạo kỹ năng công dân số và an toàn trực tuyến cho học sinh, sinh viên trên quy mô toàn quốc.

TS Phạm Hải Chung, giảng viên Viện đào tạo báo chí và truyền thông (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội), là một trong những chuyên gia trực tiếp đứng lớp về những nội dung này ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

TS Phạm Hải Chung cho biết chương trình đề cập đến việc bảo vệ “danh tính số” và truy vết “dấu chân số”.

Trẻ em cần biết rằng mọi hoạt động trên mạng đều được ghi lại và có thể tác động đến tương lai của các em sau này. Vì vậy, trẻ cần ý thức việc bảo vệ tài khoản của mình cũng như được trang bị những kỹ thuật giữ tài khoản cá nhân, hướng dẫn cách xử lý nếu chẳng may bị đánh cắp.

phc cha me 9-8 1(read-only)

TS Phạm Hải Chung trong một khóa tập huấn “Tư duy thời đại số” – Ảnh: NVCC

Trong thời đại số, trẻ cũng cần học cách tôn trọng người khác và cách giao tiếp trên môi trường mạng. Mỗi người cần chịu trách nhiệm nội dung mình đăng tải, đồng thời ý thức việc tương tác like, share sẽ có thể tác động rất nhiều đến cộng đồng.

Ngoài ra, trẻ nhỏ cũng nên được chỉ dạy cách phân biệt tin giả – thật, biết phản biện trước những nội dung tiêu cực trên mạng xã hội…

Theo bà Phạm Hải Chung, sự cân bằng giữa cuộc sống “ảo” và “thật” cũng được nhấn mạnh trong “tư duy thời đại số” của Facebook.

Cụ thể, việc sử dụng mạng xã hội phải hài hòa với những hoạt động khác bên ngoài các thiết bị số. Gia đình cũng sẽ là hình mẫu cho con khi bước vào không gian trực tuyến. Cách cha mẹ phát ngôn, chia sẻ trên thế giới “ảo” sẽ ảnh hưởng đến cách con ứng xử trên chính các nền tảng này.

HOÀNG THI

Kỹ năng cho trẻ em trong thời đại số Kỹ năng cho trẻ em trong thời đại số

TTO – Các bạn học sinh hãy cam kết thực hiện đúng khi khai thác thiết bị công nghệ cho việc học, giải trí, nếu không sẽ rơi vô hố sâu của nghiện công nghệ, bị công nghệ dẫn dắt và hệ lụy rất lớn.


Thư Viện Tài Liệu

Trung Tâm Tứ Hải

Liên Hệ

25/25 Nguyễn Bỉnh Khiêm,
P. Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh

+84 91 657 90 68
ltrucanh@gmail.com