DSC03645Chiến lược kinh doanh

Business Strategy

Tác giả: The Economist & Jeremy Kourdi

Cuốn sách này là cẩm nang để xây dựng chiến lược kinh doanh, giúp các doanh nghiệp tránh được những hệ quả khốc liệt của việc đưa ra những quyết định kém hiệu quả.

Sử dụng những minh họa rõ nét, các nghiên cứu tình huống cụ thể, 18 chương của cuốn sách giúp người đọc có một tầm nhìn tổng quát về chiến lược: cách thức phát triển và thực thi chiến lược, phân bổ nguồn lực và dẫn dắt nhân sự cho chiến lược thế nào, đổi mới sáng tạo có vai trò ra sao trong chiến lược, làm thế nào để bán hàng và marketing một cách chiến lược.

Một chiến lược kinh doanh tốt được thực thi hoàn hảo chính là nhân tố quyết định tương lai thành công của doanh nghiệp. Cuốn sách này cũng chỉ ra cho bạn đọc thấy, trong lịch sử có vô vàn những quyết định chiến lược, cả lớn lẫn nhỏ, do tổ chức thiếu hiệu quả mà đã dẫn đến hệ quả nặng nề.

Hay nói như chính tác giả thì “Một chiến lược được cân nhắc rõ ràng và đầy cảm hứng sẽ mang lại động lực thúc đẩy thành công thương mại, trong khi một chiến lược yếu kém hoặc bị hiểu sai có thể dẫn công ty tới chỗ phá sản.”

Tác giả

Jeremy Kourdi là một nhà tư vấn kinh doanh và huấn luyện viên điều hành, giám đốc sáng lập hãng huấn luyện Entendeo Ltd., và là tác giả của 27 cuốn sách, được dịch ra 16 thứ tiếng. Trước khi là phó chủ tịch cấp cao của The Economist, ông từng làm việc với hàng loạt tổ chức như The Economist Group, Duke Corporate Education, HSBC, Novartis, Pearson, Tetra Pak, Zurich/Farmers Insurance, Trường Kinh doanh IMD và Trường Kinh doanh London.

 

Trích đoạn

“Chiến lược của công ty mang đến một cái nhìn mang tính định hướng về tương lai, tác động đến các quyết định, ưu tiên và cách thức làm việc của nhân viên. Con người thích làm những công việc có mục đích và có ý nghĩa đối với họ. Chiến lược nên mang đến mục đích và ý nghĩa đó… Một chiến lược mà nhân viên hiểu và tin tưởng sẽ giúp họ phát triển tiềm năng và có được các kỹ năng mới. Đến lượt mình, tiềm năng và các kỹ năng mới sẽ nâng cao sự tự tin và khả năng tự nhận thức của họ – đây đều là những phẩm chất mà các công ty được quản lý thông minh cần đến nhiều hơn.”

“Việc phát triển một cách tiếp cận rõ ràng và nhất quán đối với quy trình ra quyết định sẽ tạo ra một phương án dự phòng, để khi áp lực và/hoặc yếu tố phức tạp gia tăng hay mức độ khẩn cấp tăng dần, bạn đã có trong tay một cách tiếp cận đáng tin cậy, đã được kiểm nghiệm thực tế, được trau dồi trong những thời kỳ ít căng thẳng hay ít khẩn cấp hơn. Đọc trại câu nói của tác giả Kipling thì: nếu bạn có thể giữ đầu óc tỉnh táo trong khi những người xung quanh đang mất trí, thì khả năng là bạn vẫn chưa hiểu hết tình hình.”

“Thực ra, chưa hề có công ty nào từng từ vị trí tốt vươn tới sự vĩ đại – hoặc duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực của họ – bằng thái độ tự mãn hay không chuyển biến theo thời cuộc. Những chiến lược nhấn mạnh đến sự đổi mới sáng tạo và sự tinh nhạy của tổ chức (mà chỉ đơn giản có nghĩa là tinh thần doanh nhân, linh hoạt và không quan liêu) là một cách để tránh sự tự mãn, biến chuyển theo thời cuộc và bảo đảm chiến lược phát huy tác dụng trong thực tiễn.”


Nguồn bài viết: nhanamkinhte.com

Thư Viện Tài Liệu

Trung Tâm Tứ Hải

Liên Hệ

25/25 Nguyễn Bỉnh Khiêm,
P. Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh

+84 91 657 90 68
Nhapdiem.tuhai@gmail.com