Hội nghị “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2015 – 2020” được tổ chức sáng 11-5 tại Bộ GD-ĐT – Ảnh: Bộ GD-ĐT
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Giáo dục đạo đức, lối sống là quá trình liên tục từ mầm non đến đại học. Học hỏi là quá trình dưỡng suốt đời. Trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, giá trị chân thiện mỹ thời đại số không còn giống thời trước, xuất hiện đạo đức mạng xã hội, lối sống số… Do đó chúng ta cần nhận diện các giá trị mới, các giá trị cũ đang được làm mới để tác động cho trúng và đúng”.
Tại hội nghị trực tuyến với các tỉnh thành, các đại biểu cũng đã nêu những vấn đề của thanh, thiếu niên, nhi đồng hiện tại. Trong đó có không ít quan ngại về thực trạng giáo dục con người tại Việt Nam, mối quan hệ nhà trường – gia đình – xã hội, những trăn trở tìm giải pháp để thay đổi.
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam Hà Thanh Quốc cho hay: “Trước kia chúng ta dạy người mang tính hàn lâm, những năm gần đây đã thay đổi nhiều. Tuy nhiên chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa vì hiện nay dạy người và dạy chữ chưa cân bằng”.
Đại biểu của Tỉnh đoàn Khánh Hòa cho biết: “Muốn tạo ra con người tốt thì phải xác định mục tiêu đúng. Chúng ta cần những con người khỏe mạnh, bản lĩnh, có trái tim giàu xúc cảm, có cái đầu tri thức biết phân biệt đúng sai. Giáo dục con người ngày nay cần cân bằng giữa kiến thức và kỹ năng sống”, vị này nói.
Để giáo dục thanh thiếu niên, thiếu nhi, Tỉnh đoàn Khánh Hòa đã tổ chức hội trại “đúng nghĩa”, nơi thanh thiếu niên được vui chơi, rèn luyện. Tỉnh đoàn nhận thấy thanh thiếu niên có những thay đổi rõ rệt sau hội trại. Các em tin “tôi có thể làm được”, biết cách thừa nhận nhau, phối hợp với nhau.
Trong hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng thiếu nhi có tâm lý lứa tuổi riêng, cần môi trường sinh hoạt riêng. Anh Bùi Quang Huy – bí thư thường trực Trung ương Đoàn, chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam – nêu ý kiến: “Nhà thiếu nhi, cung thiếu nhi là thiết chế quan trọng để giáo dục thiếu nhi. Các em thiếu nhi có đặc thù riêng không thể sinh hoạt chung với thanh thiếu niên”.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, nhi đồng là việc hệ trọng, cần tiếp tục làm tốt hơn nữa trong thời gian tới, vì đây là một phần của công việc đổi mới giáo dục đào tạo. “Công việc này cần được đổi mới về nhận thức, hành động, phương pháp, nội dung, quan điểm, quy mô, chiều sâu, số lượng và chất lượng. Ngành giáo dục – đào tạo sẽ đưa nội dung này vào chương trình hành động của ngành trong thời gian sắp tới” – ông kết luận.
Link Báo Gốc: https://tuoitre.vn/bo-truong-bo-gd-dt-coi-giao-duc-phap-luat-cho-thanh-thieu-nien-la-nen-tang-2021051110585307.htm