Những em bé ở Lào Cai – Ảnh: GAVIN WHITE

“Chúng tôi có 43 em học sinh bán trú. Mỗi ngày một em cần thêm năm nghìn đồng tiền ăn, tức là hai trăm mười lăm nghìn đồng một ngày, sáu triệu bốn trăm năm mươi nghìn đồng mỗi tháng, và sáu mươi tư triệu năm trăm nghìn một năm học, vì các em chỉ học 10 tháng còn 2 tháng nghỉ hè”.

“Sao anh nhân nhanh thế?”.

“Tôi giữ mãi con số ấy trong đầu anh ạ. Cứ nghĩ mãi, bao giờ có khoản gì để cho các cháu ăn”.

Vị cán bộ xã hình như nói thật. Đoàn nhà báo ở Hà Nội về, rẽ vào ngôi trường phổ thông dân tộc ven huyện lộ. Cán bộ xã và hiệu trưởng ra tiếp. Nghe hỏi bây giờ trường cần gì, ông trả lời ngay: Chúng tôi chỉ xin một thứ, là tiền ăn cho 43 em học sinh bán trú.

Mỗi em, theo quy định của Nhà nước, đang có 15 nghìn tiền ăn mỗi ngày. Tức là bữa trưa bảy nghìn, bữa tối tám nghìn. Vẫn ít quá ngay cả với vật giá của huyện giáp biên Thanh Hóa này. Rồi ông làm phép nhân, nói một mạch ra con số đau đáu, “sáu mươi tư triệu năm trăm nghìn đồng một năm học”.

Theo lẽ thường, ông có thể trình bày một loạt khó khăn, bởi đằng nào cũng là huyện miền núi, không thiếu gì khó khăn, rồi sau đó mới đi vào vấn đề. Nhưng ông nói luôn. Ông muốn xin tiền ăn cho lũ trẻ. Và ông cũng không trình bày thêm gì. Họ đã nghĩ về việc này rất lâu. Nhà báo chỉ hỏi một câu ngô nghê để ông tự nói ra.

Ở Trường THCS phổ thông dân tộc Sơn Thủy, học sinh bán trú chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số từ trên núi xuống. Chúng không biết mình ăn bảy nghìn một bữa là ít. Ở nhà, thầy cô bảo, nhiều đứa chỉ có cơm trắng với rau với muối. Ở trường, các cô xoay xở để bữa nào chúng cũng có miếng thịt kho mặn, đậu phụ hoặc quả trứng vịt.

“Trong nhận thức của các em ăn thế là sướng lắm rồi” – cô Nhãn, phụ trách tổ bán trú, bảo.

“Thế các anh chị nói là các con đang ăn thiếu là dựa trên cơ sở gì?” – nhà báo lại chơi bài ngô nghê. Thật ra anh ta đã tự nhìn vào sổ thu chi và thấy chữ ký cô Đào duyệt chi 2,3kg thịt một bữa. Chia cho 43, mỗi con được 53 gram thịt.

“Dựa trên cảm nhận của người làm cha làm mẹ, anh ạ” – cô trả lời.

Đoàn nhà báo ra về. Mấy tuần sau, họ mang một trăm triệu quyên góp từ độc giả lên tặng trường. Anh nhà báo nghĩ, các lý thuyết cấp tiến về từ thiện sẽ không ủng hộ mình.

Cho cần câu, đừng cho con cá. Nhiệm vụ của anh ta đáng ra phải là đấu tranh chính sách để tăng tiền ăn cho các con, thì lại cho cá, mà còn cho từng bữa. Anh sẽ không trả lời được câu hỏi là thế sang năm hết một trăm triệu thì sao.

Nhưng anh không quyết định khác được. Anh và đồng nghiệp nhìn vào mắt những viên chức kia, và cái cách họ hỏi xin tiền ăn cho các con, cái cách vị cán bộ xã đọc những con số, và cảm thấy một xung đột lạ lùng.

Trong định kiến của mình, người phóng viên không chờ đợi thái độ như thế ở những người nhà nước. Anh ta đã dành phần lớn sự nghiệp để tô vẽ một hình ảnh khác của bộ máy quan liêu.

Giả thiết cán bộ tốt - Ảnh 2.

Khảo sát phân bổ các tấm gương “viên chức tốt” – Nguồn: daidoanket.vn; giaoduc.net

____________________

Nếu bạn rời khỏi đô thị và lái xe ba tiếng đồng hồ về hướng tây, cho dù bạn ở bất kỳ vĩ tuyến nào, khả năng rất cao là bạn sẽ đến một vùng giáp biên nghèo khó của Việt Nam.

Ở đó, bạn có thể tìm thấy những hình mẫu bất thường của “người nhà nước”. Bất thường là so với định kiến của nhiều cư dân đô thị. Truyền thông suốt những năm tháng qua đã đả kích hệ thống quan liêu; và có thể bạn cũng mới tức điên vì thủ tục ở phường.

Hình như ở đây mọi người tận tụy hơn. Dễ tìm thấy cán bộ gần dân, thầy cô hết lòng vì học trò, bác sĩ cắm bản coi người bệnh như người thân. Và bởi địa hình, hạ tầng, họ dường như làm việc đó với một khối lượng sức lực khổng lồ, hàng chục cây số đi bộ trên núi cao, khi mà dân đô thị réo rắt gọi nhau chạy bộ công viên 5km mỗi sáng cũng bất thành.

Anh nhà báo đã mang cảm nhận đó suốt những năm tháng lang thang ở vùng cao: dường như ở các vùng khó khăn, dễ tìm thấy những hình mẫu tốt đẹp của “người nhà nước” ở các vùng đô thị.

Đó không phải là một định kiến cá nhân. Khảo sát 102 bài viết “gương sáng” trên hai tờ báo thuộc các tổ chức chính trị – xã hội trong 3 năm, từ 2017 – 2019, cho thấy tỉ lệ “cán bộ tốt” được vinh danh tại những vùng khó khăn chiếm tỉ lệ vượt trội.

Chỉ có 20/102 tấm gương viên chức được vinh danh đến từ các đô thị – tính cả các đô thị loại 2, 3 như thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã, thậm chí các huyện nông thôn của Hà Nội và TP.HCM. Ngược lại, trong số 82 “cán bộ tốt” ở nông thôn – miền núi – hải đảo, có tới 21 người đến từ các vùng giáp biên giới.

Tỉ lệ dân số thành thị – nông thôn tại Việt Nam hiện nay là 34 – 66. Giả định rằng tỉ lệ cán bộ là tương đương, thì theo khảo sát trên, khả năng (ít nhất là của giới báo chí) tìm thấy cán bộ gương mẫu tại các vùng khó khăn cao hơn 120% so với tại thành thị.

Anh nhà báo không còn nghi ngờ gì về việc có một thiên hướng chênh lệch dành cho “cán bộ tốt” ở nông thôn, miền núi và hải đảo. Dù mở rộng khảo sát, anh tin rằng tỉ lệ cũng không thể đảo ngược.

Câu hỏi là tại sao?

Giả thiết đầu tiên là bởi định kiến hình thành do chính giới cầm bút. Trong nhiều thập kỷ, hình mẫu “vượt qua gian khó” đã là một tiêu chuẩn cho người cán bộ Việt Nam, được xây dựng bởi lớp lớp các cây viết báo chí và văn học.

Điều này xuất phát từ hệ giá trị của những người vô sản. Cho đến tận thế kỷ 21, việc xây dựng hình ảnh một cán bộ tốt ở các vùng khó khăn vẫn dày đặc hơn, đầu tiên là bởi người ta chủ tâm muốn tìm ở đó. Thứ hai, là hình tượng này dễ thuyết phục công chúng hơn: họ đã quen với chúng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhưng lập luận này không thực sự thuyết phục, khi phần lớn các cơ quan báo chí đóng ở thành thị – và chi phí sản xuất một bài chân dung tại biên giới cao hơn nhiều so với tìm ai đó ở quận Đống Đa hay Củ Chi. Nếu “gương sáng cán bộ” là một loại đề tài báo chí, thì nó đi ngược lại với phần lớn các lĩnh vực khác, nơi thành thị luôn được ưu tiên hơn do là thị trường chính của truyền thông.

Điều này dẫn tới giả thiết thứ hai, là việc có nhiều hình tượng viên chức tận tụy ở vùng khó khăn, thực sự là bởi ở đó dễ tìm thấy hơn.

Giả thiết cán bộ tốt - Ảnh 3.

Một em bé ở thôn Sả Séng, xã Tả Phìn, Sa Pa – Ảnh: vhines200/Flickr.com

____________________

Thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) là một ốc đảo giữa lòng thế giới hiện đại. Từ quốc lộ gần nhất đến thị trấn này là 60km đường đèo thách thức cả những tay lái chuyên nghiệp. Bên trái là vực sâu, bên phải là núi cao, cả nghìn khúc cua và mặt đường đã lâu không được cải tạo. Suốt 60km này, chỉ có vài xóm nhà lác đác.

Giữa bốn bề là núi cao, Vinh Quang thực chất chỉ là một dãy phố dài chừng 1km.

Vài cửa hàng đồ gia dụng, vài quán ăn, nơi bạn có thể tìm thấy món cháo ấu tẩu huyền thoại của đất Hà Giang, vài khách sạn đơn sơ kiêm nơi tổ chức tiệc cưới; một cái chợ hai tầng mới xây bằng ngân sách, trong đó bà con bán chút quần áo, dao kéo và rau củ quả. Sự kiện lớn nhất của thị trấn mỗi tuần là một phiên chợ, nơi những phụ nữ người Mông và người Nùng vác những bọc rau tự hái trong vườn xuống với hi vọng kiếm vài mươi nghìn.

Ở cuối thị trấn, bạn sẽ thấy căn nhà nhỏ của thầy hiệu trưởng trường cấp II trong huyện. Hai vợ chồng thầy đều làm giáo viên vùng này. Căn nhà một tầng, có khoảnh vườn. Chỉ cần từ ngoài nhìn vào, bạn nhận ra rằng căn nhà này, và các chủ nhân của nó, là đại diện vững chãi cho một khái niệm vẫn gây hoang mang khắp xã hội nhiều năm qua: đủ sống.

Họ đủ sống. Lương giáo viên vùng cao, thêm chút trợ cấp vùng đặc biệt khó khăn, mỗi tháng hai vợ chồng viên chức ở nơi này có tổng thu nhập mười mấy triệu đồng.

Đặt con số đó trong bối cảnh của thị trấn Vinh Quang – nơi các du khách từ Hà Nội (vẫn là anh nhà báo nọ) cầm tiền đi khắp phố huyện chỉ mất hai chục phút và không mua được gì – họ thuộc về tầng lớp có tích lũy ở địa phương.

Không khó để tìm thấy một nghiên cứu về mối liên hệ giữa “chủ nghĩa vật chất” (materialism), “so sánh xã hội” (social comparison) và “mua sắm cưỡng chế” (compulsive buying). Ba khái niệm này gắn chặt với nhau. Hiểu đơn giản là khi người ta sống trong một môi trường nặng chủ nghĩa vật chất, họ sẽ nảy sinh tâm lý so sánh và tham gia vào cuộc đua mua sắm.

Trong tháp nhu cầu Maslow, hai tầng dưới cùng là nhu cầu thiết yếu về thức ăn, nước uống, chỗ ở, sự an toàn. Tầng giữa là nhu cầu về các mối quan hệ thân thiết, bè bạn. Ở hai tầng trên, nhu cầu của con người dành cho các khái niệm định tính: sự tôn trọng, cảm giác về thành tựu, cảm giác được phát triển hết năng lực của bản thân.

Đó là nơi mà sự so sánh xã hội lên tiếng. Trong chủ nghĩa vật chất, cảm giác “về sự tôn trọng” được quy ước bởi đủ thứ đắt tiền: điện thoại flagship, đồng hồ đeo tay, đồ thời trang, xe hơi, thậm chí là trường học của con cái. Có một quy ước triệt để rằng những thứ vật chất đó đại diện cho vị thế của anh trong xã hội.

Trong tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội và TP.HCM, chủ nghĩa vật chất đang trên đà cường thịnh. Còn trong một hệ quy chiếu kiểu thị trấn Vinh Quang, thầy hiệu trưởng có thể tìm kiếm sự tôn trọng một cách nhân văn hơn nhiều. Thầy không phải nghĩ đến việc đi dạy thêm. Học sinh của thầy chẳng đủ ăn.

Thầy cũng không phải chịu điều tiếng với phụ huynh vì “tiền xây dựng trường”. Phụ huynh của thầy góp gạo nấu cơm cho các con là may lắm. Thầy cũng chẳng ám ảnh bởi thời trang, bởi cơ quan thầy không ai phân biệt được Rolex với Tissot.

Thầy có thể đi tìm sự thừa nhận, cảm giác tự hào và thành tựu bằng việc đi quyên tiền nhà nội trú mới cho học sinh, quyên góp áo ấm và bữa ăn, hay thậm chí là đẽo gỗ dựng căn nhà tạm cho thầy cô trên núi.

Trong khi đó, bất kỳ viên chức nào ở đô thị cũng có nguy cơ cảm thấy đồng lương của mình “không đủ sống”. Có thể họ không đủ sống theo nghĩa hẹp, tức là ngay cả hai tầng dưới của tháp Maslow cũng không đủ, tiền thuê nhà không có và cho con học trường công cũng phải đi vay học phí.

Nhưng cũng có thể họ không đủ sống theo nghĩa rộng, tức là không có khả năng hòa nhập với đời sống bùng nổ của đô thị, trở thành một kẻ ngoài cuộc. Họ đơn giản là không được phép đeo đôi xăng đan hai trăm bảy mươi nghìn mà các thầy giáo miền cao đeo đến lớp.

Quy ước khái niệm “sống” ở các vùng của Việt Nam đang rất khác nhau, với tốc độ phát triển kinh tế không đồng đều và khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Từ khái niệm “không đủ sống” đầy day dứt này, sự “làm người tốt” cũng chênh vênh theo.

Nếu sống nhân văn là một cuộc thi, thì các thầy hiệu trưởng trên núi hoặc hải đảo là Lionel Messi và Cristiano Ronaldo của thế giới viên chức tốt: giữa rừng xanh núi đỏ, thầy được phát triển ở môi trường dễ chơi bóng nhân văn số 1 hành tinh. Lợi thế không thể san lấp.

____________________

Người đọc bài sẽ hỏi: vậy phải chăng nghèo là điều cần khuyến khích? Ý anh là tất cả cùng nghèo thì sẽ không còn ai bị ám ảnh bởi vật chất và chỉ dành thời gian làm điều hay ho thôi?

Thật ra, bạn sẽ không khó tìm thấy một hoài niệm y như vậy về thời bao cấp, khi lớp người già than thở rằng sao ngày xưa ai cũng nghèo nhưng sống đỡ ngột ngạt hơn bây giờ. Nhưng vấn đề ở đây không phải là giàu – nghèo.

Chủ nghĩa vật chất mới là vấn đề. Trong một thị trường tiêu dùng tiên phong, chúng ta đã bao giờ dừng lại đủ lâu để nghĩ rằng mình có đang khuyến khích vật chất quá đà? Việc định giá con người bằng thành tựu vật chất tại các đô thị đang được đẩy đến mức độ nào; và việc tôn vinh các giá trị nhân văn khác, đang được thực hiện thế nào?

Một câu hỏi cụ thể hơn cho nền văn hóa: đầu năm mới, có ai bắt tay một cán bộ chúc làm được nhiều việc hơn cho dân, xây được trường mới, giảm được hộ nghèo, hay lại cũng “làm ăn tấn tới” và “tiền vào như nước”? Có gì đó không đúng khi chúng ta mặc định rằng kiếm tiền là ưu tiên của con người tại các đô thị, rồi lặn lội lên miền cao để tìm tấm gương viên chức tốt.

Anh nhà báo kia về sau này viết bài, quyên một tỉ đồng xây cái nhà nội trú mới cho học sinh của thầy hiệu trưởng ở Hoàng Su Phì. Nhìn ngôi nhà mới, anh thấy vui. Anh hiểu rằng cái “giả thiết viên chức tốt” của mình chỉ là một giả thiết.

Thật ra, ngay từ đầu, việc đi tìm những câu chuyện về hạt mầm nhân văn nảy trên đá núi, đã là một nhu cầu của anh ta. Một giải phóng ẩn ức – của một người đô thị bất lực, tay đeo Apple Watch serie 5 titanium.


Thư Viện Tài Liệu

Trung Tâm Tứ Hải

Liên Hệ

25/25 Nguyễn Bỉnh Khiêm,
P. Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh

+84 91 657 90 68
Nhapdiem.tuhai@gmail.com