Không chỉ dùng để đáp lại lời cảm ơn, “You’re welcome” còn là lời mời khéo léo hoặc dùng để khoe khoang với bạn bè, người thân thiết.

Theo nghĩa đen, “You’re welcome” nghĩa là “Bạn được chào đón”. Ngoài ra, câu này còn mang bốn ý nghĩa khác.

Đáp lại câu cảm ơn

Đây là cách dùng phổ biến và đơn giản nhất của “You’re welcome”, đáp lại lời cảm ơn sau khi bạn đã giúp đỡ hoặc khen ngợi họ.

Ví dụ:

– Hey, can I borrow your pen? (Này, cho tớ mượn bút nhé?)

– Yes, of course! (Được, cậu cứ lấy đi)

– Thank you. (Cảm ơn nhé)

– You’re welcome. (Không có gì đâu)

Trong cách dùng này, cụm từ như dấu hiệu xác nhận rằng bạn đã chấp nhận lời cảm hơn của họ.

Nhắc ai đó rằng họ quên cảm ơn

Tùy giọng điệu của người nói, “You’re welcome” được dùng như cách để nhắc ai đó đã quên cảm ơn hoặc bạn đang chế giễu họ vì điều này. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng cách này với bạn bè, những người thân thiết như một trò đùa, nếu không việc này rất thô lỗ.

Ví dụ:

– Hey, can I borrow your pen? (Tớ mượn cái bút nhé?)

– Of course! (Được thôi)

– John forgot to say “thank you”. (John quên nói cảm ơn)

– You’re welcome! (Không có gì đâu)

Dù nội dung không đổi, ngữ điệu trong hoàn cảnh này sẽ khác. Người nói có thể kéo dài hoặc lên giọng để nhắc nhở đối phương.




Ảnh: Shutterstock

Mời ai làm điều gì đó

Bạn cũng có thể dùng “You’re welcome” như một lời mời lịch sự, khiến họ không cảm thấy áp lực hay nghe có vẻ quá khắt khe.

Chẳng hạn, bạn sắp đi du lịch và không sử dụng ôtô của mình. Trong khi đó, bạn biết ôtô của bạn mình đã bị hỏng nên muốn cho họ biết có thể lấy xe của bạn dùng nếu muốn. Trong trường hợp này, bạn có thể nói: “You’re welcome to use my car while I’m on holiday.” (Cậu có thể dùng ôtô của tớ khi tớ đi du lịch).

Một ví dụ khác, nếu muốn mời bạn bè ở lại ăn tối khi họ ghé thăm bất ngờ, bạn nên dùng: “You’re welcome to stay for dinner if you’d like!” (Cậu có thể ở lại ăn tối nếu muốn).

Khoe khoang về điều gì đó

Trong nhiều trường hợp, người nói dùng “You’re welcome” để khoe khoang về thành tích của họ. Bạn có thể đã bắt gặp trường hợp này trong những bộ phim Hollywood khi các nhân vật châm biếm, mỉa mai lẫn nhau.

Chẳng hạn, bạn sở hữu một khách sạn hạng sang, đưa bạn bè tới đó và nói “It’s mine. You’re welcome” (Của tớ đấy, cứ dùng tự nhiên). Cách dùng này cũng chỉ nên nói chuyện với bạn bè hoặc những người thân thiết, nếu không bạn sẽ trở nên rất lố bịch và thích thể hiện trong mắt mọi người.

Một số cách diễn đạt khác của “You’re welcome”

Với tình huống trang trọng, bạn có thể dùng một trong những cách diễn đạt sau để thay thế “You’re welcome”:

My pleasure (Hân hạnh/ Vinh dự của tôi)

I’m happy/glad to help. (Tôi rất vui được giúp đỡ).

Happy to be of service. (Rất vui khi hỗ trợ bạn).

I’m sure you’d do the same for me. (Tôi chắc rằng bạn cũng làm vậy với tôi).

Với tình huống gần gũi, “You’re welcome” có thể thay bằng những cụm từ sau:

It was nothing. (Không có gì đâu)

No problem. (Không vấn đề gì).

It’s no trouble. (Không có gì rắc rối cả).

Anytime (Bất cứ khi nào).

Sure. (Chắc rồi)

Don’t worry about it. (Đừng lăn tăn về nó).

Don’t mention it. (Đừng nhắc về điều đó).

No big deal. (Không phải vấn đề lớn đâu).

Thanh Hằng (Theo FluentU)


Thư Viện Tài Liệu

Trung Tâm Tứ Hải

Liên Hệ

25/25 Nguyễn Bỉnh Khiêm,
P. Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh

+84 91 657 90 68
Nhapdiem.tuhai@gmail.com