Việt Nam vận hội
Nguyễn Thế Anh
Là sử gia hàng đầu về sử Việt và lịch sử Á Đông trên thế giới, với hàng trăm cuốn sách cùng bài khảo cứu đã được công bố bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, nghiên cứu sử học của Giáo sư Nguyễn Thế Anh được tỏa rộng theo nhiều chủ đề như “nghiên cứu lịch sử địa chất học, nông nghiệp, và khí hậu học; hệ tư tưởng và tôn giáo, bao gồm Phật giáo, Nho giáo, tín ngưỡng dân gian, và chủ nghĩa Marx; giao thương và thương mại; chiến tranh; quan hệ Trung-Việt; quan hệ giữa Việt Nam và phương Tây; lịch sử Đông Á và Đông Nam Á; lịch sử Hoa Kỳ; sử Việt nói chung: từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX, đặc biệt nhấn mạnh triều Nguyễn và thời kỳ Pháp thuộc; và các nghiên cứu về lịch sử Việt Nam sau năm 1945”.
Tiếc rằng nhiều khảo cứu có giá trị bằng tiếng Anh, tiếng Pháp của Giáo sư còn khá xa lạ với giới nghiên cứu sử học Việt Nam. Vì vậy cuốn sách Sử học Nguyễn Thế Anh, Việt Nam vận hội chính là kết quả bước đầu trong chặng dài nỗ lực tuyển tập và phiên dịch các bài khảo cứu đó. Dù số lượng bài được tuyển chọn trong sách chỉ là một phần rất nhỏ trong số các công trình của ông, chúng tôi cũng kỳ vọng bổ khuyết được phần nào cho tình trạng thiếu sót về tài liệu cùng những thiên lệch trong quan điểm nghiên cứu lịch sử trên thế giới về Việt sử, và cung hiến cho độc giả góc nhìn rộng và khách quan hơn về các nghiên cứu sử Việt.
“… tại sao chế độ chính trị của Việt Nam không bị chuyển đổi hoàn toàn bởi quyền lực thực dân. Đáp án cho câu hỏi này có thể tìm thấy trong tư tưởng truyền thống trung quân đã nằm sâu trong ý thức người Việt Nam thời ấy… Đối với nhiều người, hoàng gia thực sự là tất cả những gì còn lại biểu trưng cho Việt Nam như một thực thể chính trị. Dù bị bảo hộ và lấn át, nhà vua vẫn là biểu tượng của truyền thống và đại diện cho quốc gia; vì thế, việc bảo vệ quyền lợi của hoàng đế là điều tối quan trọng để bảo tồn những điều cốt yếu của dân tộc.”
—- “Nền quân chủ Việt Nam dưới sự thống trị của thực dân Pháp 1884-1945”
Giáo sư Nguyễn Thế Anh sinh năm 1936, từng là Viện trưởng Viện Đại học Huế (1966-1969), Trưởng ban Sử học, Đại học Văn khoa Sài Gòn (1969-1975).
Rời khỏi Việt Nam năm 1975, sau một thời gian ngắn cộng tác với Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) và làm Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Harvard (Hoa Kỳ), ông làm Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp tại Paris.
Ông được trao trọng trách đứng đầu Trung tâm Lịch sử và Văn minh khu vực bán đảo Đông Dương thuộc École Pratique des Hautes Études – EPHE, Đại học Sorbonne, Paris, và được vinh danh là Giáo sư Ưu tú của Trường Cao học Khảo cứu này.
Ông là thành viên trong ban biên tập các tạp chí học thuật danh giá như Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême-Orient, Journal Asiatique, Journal of International and Area Studies, Moussons. Với hàng trăm bài nghiên cứu chuyên sâu thuộc các chủ đề khác nhau, cùng vài chục đầu sách chuyên khảo bằng nhiều ngôn ngữ : Anh, Pháp và Việt, ông là thầy của nhiều nhà nghiên cứu sử học tầm cỡ trên thế giới hiện nay, đồng thời là tấm gương đáng kính trọng đối với các thế hệ hậu sinh nghiên cứu sử học sau này.
Link Bài Báo: https://nhanamkinhte.com/2021/02/18/viet-nam-van-hoi/