Hải Dương7h dậy đi lấy mẫu trong cộng đồng, 22h về phòng tắm giặt rồi úp bát mì tôm là nhịp sống của cô trò Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương trong 13 ngày qua.

“Em ơi 30 phút nữa cần 50 sinh viên cho Nam Sách”, “Sáng mai cần lấy 10.000 mẫu ở Kinh Môn”, “Em ơi cần một đội chuyên nghiệp làm trong lab”, “Cẩm Giàng phong tỏa hết rồi em à, khả năng cần lấy 60.000 mẫu”. Tiếng điện thoại liên tục reo, những tin nhắn từ Sở Y tế và CDC Hải Dương với nội dung cấp bách hiện đầy màn hình điện thoại của cô Ngô Thị Thảo, Trưởng khoa Xét nghiệm Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Cô Thảo bảo đáng lẽ giờ này, sinh viên đang xả hơi sau một học kỳ vất vả, chuẩn bị đón Tết bên gia đình. Giảng viên cũng vậy, không phải lên giảng đường hay phòng thí nghiệm (lab), chỉ ở nhà dọn dẹp nhà cửa, tranh thủ đi mua đào, quất rồi chuẩn bị bữa cơm cúng tất niên. Nhưng nhịp sống thay đổi kể từ ngày 28/1, lúc xuất hiện những ca dương tính nCoV đầu tiên ở TP Chí Linh.

Nhóm sinh viên sau buổi lấy mẫu xét nghiệm kéo dài cả ngày ở Kinh Môn. Ảnh: Khoa Xét nghiệm – Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Đóng trên địa bàn có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất trong đợt dịch lần thứ ba, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương được Bộ Y tế giao nhiệm vụ điều tra dịch tễ để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và tham gia điều trị bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến ở trường. Khoa Xét nghiệm của cô Thảo là lực lượng chính với 24 giảng viên và gần 200 sinh viên, hỗ trợ đi lấy mẫu trong cộng đồng và làm xét nghiệm cho bệnh nhân ở bệnh viện dã chiến cùng phòng lab của CDC.

Cô Thảo nhớ lại, ban đầu số ca bệnh chưa nhiều, chỉ tập trung ở Chí Linh nên khi nhận thông báo phải huy động cả giảng viên, sinh viên tham gia, khoa nhận định không cần gọi nhiều em. Dù vậy, các thầy cô đã nghĩ rất khó khăn trong thời điểm đa số sinh viên đã về quê sau khi kết thúc học kỳ I và nghỉ Tết. Một nhóm khác đang đi thực tế ở các bệnh viện tại Hà Nội.

Thông báo tới sinh viên toàn khoa, cô Thảo không ngờ rất nhiều em phản hồi ngay với quyết định trở về trường để hỗ trợ công tác phòng dịch. Hôm đầu là 20 em. Sau đó, dịch ngày càng lan rộng, từ Chí Linh sang cả Kinh Môn, Nam Sách, Cẩm Giàng khiến khoa phải huy động số lượng lớn hơn. Nhiều em đi thực tế ở Hà Nội 4 tháng, đã trả phòng trọ ở Hải Dương, không chuẩn bị gì về đồ dùng cá nhân cũng nhanh chóng về trường. Nhiều em đã về quê nghỉ Tết cũng thảo luận với gia đình rồi lên đường.

Về phía khoa, các thầy cô liên hệ ký túc xá, mượn chăn chiếu của những em không thuộc lực lượng chống dịch để cho các bạn ở lại trường sử dụng. Đến nay, gần 200 sinh viên khoa Xét nghiệm tham gia hỗ trợ phòng chống dịch ở Hải Dương như lấy mẫu trong cộng đồng, làm xét nghiệm.

Sinh viên tham gia lấy mẫu hôm 30/1. Ảnh: Khoa Xét nghiệm - Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Sinh viên tham gia lấy mẫu hôm 30/1. Ảnh: Khoa Xét nghiệm – Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Xác định khối lượng công việc lớn, vất vả, cô trò khoa Xét nghiệm thống nhất phương án chia nhóm để đảm bảo sinh viên làm một ngày sẽ được nghỉ một ngày. Nhưng ở nhiều thời điểm, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cần tổng động viên để hạn chế lây sang các huyện lân cận, số sinh viên cần được huy động nhiều hơn nên có em làm liên tục mấy ngày liền.

Ngày thứ ba trong chiến dịch, lãnh đạo CDC Hải Dương báo cần hai nhóm sinh viên cho hai điểm Chí Linh và Kinh Môn. Đến đêm, cô trò cũng thống nhất được số lượng sinh viên tham gia, bảo đảm nguyên tắc nghỉ cách nhật. Thế nhưng, hơn 5h sáng hôm sau, lãnh đạo Sở Y tế Hải Dương gọi điện thông báo dịch lan ra Nam Sách, cần gấp một nhóm sinh viên nữa xuống lấy mẫu cộng động.

Tình huống gấp gáp xuất hiện sau giấc ngủ mới kéo dài 3 tiếng, cô Thảo vội vã nhắn tin vào nhóm để điều động sinh viên. Đa số em còn mơ màng sau một ngày mệt nhoài. Một vài em thức giấc, nhanh chóng nhắn báo cô “Để em đi lùa các bạn dậy”. Hẹn học trò 7h30 có mặt ở sân trường, cô Thảo nghĩ được bao nhiêu hay bấy nhiêu vì các em đã hết sức rồi. Thế nhưng khi đến điểm hẹn, cô phải bất ngờ khi khoảng 100 sinh viên có mặt.

“Nhìn thấy các em, đứa còn hiện rõ sự mệt mỏi, đứa đem theo bánh mì, đồ ăn lỉnh kỉnh các túi, tôi vừa cảm động, vừa tự hào và trân trọng các em”, cô Thảo nói, thở phào khi ba điểm mà CDC yêu cầu đều có đủ sinh viên đi lấy mẫu.

Đến 11h hôm đó, chuông điện thoại lại đổ dồn báo một công ty Chí Linh phong tỏa, cần nhanh chóng lấy 1.500 mẫu. Cũng như buổi sáng, ngay sau khi nhắn tin huy động, sinh viên lại có mặt đúng giờ khiến cô Thảo thốt lên “Cô quá yêu, quá tự hào về các em”. Chỉ trên tinh thần tình nguyện, không phải trách nhiệm như giảng viên, nhân viên y tế nhưng các em đều rất nhiệt tình.

Tối hôm đó, nhìn sinh viên mệt mỏi sau cả ngày trong bộ đồ bảo hộ, lại bị huy động bất ngờ, cô Thảo chỉ muốn thông báo ngày mai các em được ngủ trọn giấc. Thế nhưng cô phải thông tin mai tiếp tục là ngày lấy mẫu cao điểm do dịch đã lan ra nhiều huyện. Cô cũng nói bạn nào mệt, quá sức cần báo lại để thầy cô sắp xếp cho nghỉ ngơi. Nhưng tất cả đồng thanh mai sẽ tiếp tục lên đường.

Những ngày sau đó, các tình huống cần huy động sinh viên gấp liên tiếp diễn ra. Và sinh viên tiếp tục nhận lời như vậy. Các em vẫn thức dậy lúc 7h để 7h30 có mặt ở trường, đi lấy mẫu đến 19h30, có hôm 22h mới về trong tình trạng vừa mệt vừa đói. Tới phòng, các em phải tắm giặt, vệ sinh kỹ lưỡng để phòng dịch rồi úp bát mì tôm, uống vội hộp sữa trước khi đi ngủ, chuẩn bị cho ngày mới với lịch trình y hệt nhau, bất kể nắng mưa.

Những thành viên Khoa Xét nghiệm làm việc trong phòng lab. Ảnh: Khoa Xét nghiệm - Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Những thành viên Khoa Xét nghiệm làm việc trong phòng lab. Ảnh: Khoa Xét nghiệm – Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Không chỉ nhóm đi lấy mẫu cộng đồng, nhóm sinh viên trong phòng lab cũng vất vả không kém. Cô Thảo cho biết do số lượng mẫu lớn, CDC không đủ nhân lực nên nhờ trường huy động giảng viên cùng khoảng 10 sinh viên sang để họ đào tạo, hỗ trợ chuyên nghiệp trong lab, tham gia vào đủ các khâu, từ mã hóa mẫu, tách chiết, làm xét nghiệm Realtime PCR để nhanh tìm ra người phải cách ly.

Sinh viên mới đầu rất bỡ ngỡ, có bạn nói không theo được vì guồng công việc quá áp lực, chưa thể quen như những anh chị, nhân viên y tế. Một số bạn chùn bước nhưng rồi khoa cũng sắp xếp đủ số lượng sinh viên đến lab của CDC ở TP Hải Dương làm việc. Những ngày qua, trong bộ đồ bảo hộ 12 tiếng một ngày, trong bốn bức tường kín mít chỉ có tiếng máy móc, các em vẫn khẳng định với cô sẽ cố gắng hết sức.

Tương tự sinh viên, giảng viên khoa Xét nghiệm cũng gặp phải không ít khó khăn. Các thầy cô cũng được chia nhóm, vừa đi kèm sinh viên lấy mẫu cộng đồng, vừa tham gia các hoạt động xét nghiệm ở bệnh viện dã chiến và cả công việc ở lab của CDC Hải Dương.

Cô Hoàng Thị Hằng, giảng viên khoa Xét nghiệm, cho biết có những hôm làm trong lab 8 tiếng không đi vệ sinh bởi tập trung quá cao và quên hết mọi thứ xung quanh. Thậm chí có hôm về nhà, cô Hằng quên cả ăn, chỉ muốn đặt lưng ngủ, dậy lúc nào sẽ ăn lúc đó. Có hôm 4h30 sáng cô mới được về. Phòng lab lúc nào cũng sáng đèn, bất kể đêm hay ngày.

“Với số ca mắc Covid-19 và số lượng F1, F2 quá lớn trong cộng đồng, chúng tôi chỉ hy vọng có đủ nhân lực để xét nghiệm. Tôi không sợ bản thân dương tính. Cái tôi sợ nhất là nếu mình mắc, cả kíp đi cùng sẽ phải cách ly trong khi đang thiếu người làm, rồi liên luỵ đến cả gia đình họ”, cô Hằng nói.

Hôm nay, 30 Tết, cô trò khoa Xét nghiệm Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương vẫn tiếp tục những công việc đã trải qua trong suốt 13 ngày qua. Dù vậy, các thầy cô trong khoa cũng đã lên kế hoạch tổ chức một buổi đón Tết tại ký túc xá trường cho những sinh viên ở lại Hải Dương hỗ trợ phòng chống dịch.

Dương Tâm


Thư Viện Tài Liệu

Trung Tâm Tứ Hải

Liên Hệ

25/25 Nguyễn Bỉnh Khiêm,
P. Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh

+84 91 657 90 68
Nhapdiem.tuhai@gmail.com