Ngoài việc luôn sát cánh nhưng không làm hộ, bạn cần khuyến khích sự sáng tạo, xây dựng cái nhìn thực tế để rèn tính kiên trì cho trẻ.

Tiến sĩ tâm lý học Lisa Damour, tác giả cuốn sách Untangled, đánh giá khả năng kiên trì của một đứa trẻ là một trong những yếu tố để thành công, quan trọng như tài năng hay trí thông minh. Bạn không thể bảo vệ trẻ khỏi mọi điều tồi tệ trong cuộc sống, nhưng có thể cải thiện bằng cách dạy trẻ kiên trì.

Luôn bên cạnh nhưng không làm hộ

Một trong những lợi ích của sự kiên trì là giúp trẻ đối phó với các vấn đề khi bạn không có mặt để giúp đỡ, ví dụ lúc ở trường. Việc được trao quyền và phải tự mình tìm cách giải quyết một chuyện nào đó, trẻ sẽ học được nhiều hơn.

Tuy nhiên, để trẻ chủ động không có nghĩa phó mặc. Bạn cần giữ vai trò quan sát, hỗ trợ và động viên trẻ. Trường hợp không có mặt ngay lúc đó, bạn có thể hỏi trẻ trong bữa tối hoặc trước khi đi ngủ, khuyên con cách làm tốt hơn cho lần sau.

Mục tiêu của bạn không phải biến mình thành chiếc khiên che chắn, làm hộ hoặc sửa chữa nếu con làm sai. Chẳng hạn, trẻ một học làm salad, bạn có thể kê sẵn ghế để trẻ cao hơn, di chuyển những dụng cụ từ trên cao xuống vừa tầm với của trẻ… thay vì làm hộ luôn.




Ảnh: Parents

Khuyến khích sáng tạo

Theo tiến sĩ tâm lý học Carol Dweck, khi bạn dạy trẻ rằng trí thông minh có thể mở rộng và phát triển, chúng sẽ có động lực lớn hơn ở trường và cố gắng đạt kết quả tốt hơn.

Khi kiên trì giải quyết một việc, trẻ sẽ phát hiện ra những cách làm mới. Để rèn luyện óc sáng tạo của một đứa trẻ, các nhà khoa học khuyên phụ huynh có thể tổ chức vài trò chơi đơn giản, gắn liền với cuộc sống. Chẳng hạn khi đồ chơi bị hỏng, bạn hãy yêu cầu trẻ làm một cái tương tự từ lego, thùng carton…

Tạo cái nhìn thực tế

Bạn không thể dạy kiên trì nếu không để trẻ biết chúng thật sự đang sở hữu những gì. Điều này không có nghĩa rằng nói thẳng với trẻ “Con không có năng khiếu vẽ đâu, làm cái khác đi”.

Thay vào đó, bạn có thể giải thích cho trẻ về khái niệm “năng khiếu” hoặc “bẩm sinh”, từ đó dần định hướng cho trẻ cái nhìn thực tế hơn để lựa chọn lĩnh vực khác. Sự kiên trì chỉ có ý nghĩa khi theo đuổi một điều gì khả thi và phù hợp.

Nhìn vào mặt tích cực

Lạc quan là yếu tố quan trọng để rèn tính kiên trì, nhất là trong trường hợp đứa trẻ thất bại. Bạn nên nhắc nhở điều quan trọng nhất không phải trẻ đã làm gì sai mà sẽ làm gì tiếp theo.

Chẳng hạn, đứa trẻ rất muốn vào đội múa để đi diễn văn nghệ nhưng không được lựa chọn. Trong trường hợp này, bạn có thể động viên trẻ đến cố vũ bạn bè, học hỏi những động tác hay để kỹ năng của mình trở nên tốt hơn.

Thanh Hằng (Theo Parents)


Thư Viện Tài Liệu

Trung Tâm Tứ Hải

Liên Hệ

25/25 Nguyễn Bỉnh Khiêm,
P. Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh

+84 91 657 90 68
Nhapdiem.tuhai@gmail.com